Kinh tế

Nông nghiệp

Trồng bắp thu nhập trăm triệu mỗi năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Anh Phạm Văn Duy Phương (26 tuổi), ngụ ấp Bình Chiến, xã Bình Long, H.Châu Phú, An Giang, là một trong những người tiên phong trồng bắp nữ hoàng đỏ, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
 

Anh Phương làm giàu từ nghề trồng bắp DUY TÂN
Anh Phương làm giàu từ nghề trồng bắp DUY TÂN




Bắp nữ hoàng đỏ trái to, hạt giòn và ngọt, năng suất cao. Tuy nhiên, do nguồn giống khan hiếm, phải nhập từ Thái Lan nên người dân chỉ mới trồng quy mô nhỏ ở một số tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Riêng tại An Giang, anh Phương là một trong những người tiên phong trồng loại bắp này và thành công.


Sau khi tốt nghiệp đại học, vào làm nhân viên ngân hàng tại TP.Long Xuyên (An Giang), anh vẫn ấp ủ ước mơ làm giàu từ nông nghiệp. Giữa năm 2018, tình cờ biết được trồng bắp nữ hoàng đỏ cho hiệu quả kinh tế cao, anh Phương mạnh dạn nhập giống về trồng thử nghiệm trên diện tích 1.000 m2 đất ruộng của gia đình.

Vừa tiếp cận với nông nghiệp hữu cơ bằng những kiến thức chắp vá, anh Phương vừa chịu khó học hỏi mỗi nơi một ít. Trải qua những khó khăn ban đầu, vụ đầu tiên anh thành công, bắp thu hoạch đúng dịp tết, năng suất khá cao. Theo anh Phương, loại bắp này từ khi gieo hạt đến thu hoạch 60 ngày. Anh trồng xen vụ giữa bắp và các loại rau màu khác. Sau khi thu hoạch bắp, anh cải tạo đất để trồng loại cây khác, nhờ đó có thêm nguồn thu nhập ngoài bắp.

Năm 2019, anh Phương trồng 2 vụ bắp, mỗi vụ thu hoạch hơn 3.000 trái. Giá bán loại 1 (270 - 350 gr/trái) 20.000 đồng/trái; loại 2 (230 - 270 gr/trái) 15.000 đồng/trái, thu nhập trên 50 triệu đồng/vụ.

“Đây là giống bắp mới, vừa ngon vừa đẹp nên có bao nhiêu là thương lái ở An Giang, Bình Dương, TP.HCM... đến mua hết bấy nhiêu. Tôi dự tính tới đây sẽ trồng bắp này trong chậu để làm kiểng bán vào dịp tết, hy vọng sẽ được khách hàng hài lòng”, anh Phương chia sẻ.

Theo anh Phương, với 1 công đất (1.000 m2) có thể trồng khoảng 5.000 cây bắp. Nhờ trồng theo hướng hữu cơ sinh học, anh đưa ra thị trường những sản phẩm nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Ưu điểm của loại bắp này là thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu hạn tốt, kháng bệnh cao, dễ chăm sóc, có khả năng thích ứng rộng với điều kiện ngoại cảnh, thổ nhưỡng địa phương, giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với loại bắp nếp thông thường... Điểm đặc biệt của loại bắp này là có thể ăn sống ngay sau khi hái mà không cần luộc hoặc nướng. Màu sắc của bắp lạ mắt, vỏ màu xanh có pha đỏ, ruột bắp màu đỏ thẫm.

Sắp tới, anh Phương sẽ mở rộng diện tích trồng giống bắp này. Thành công không giữ cho riêng mình, anh còn sẵn sàng chuyển giao toàn bộ quy trình, kỹ thuật trồng bắp cho các thanh niên tại địa phương muốn làm giàu từ nông nghiệp trên chính mảnh đất quê nhà.

 

Theo Duy Tân (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm