Kinh tế

Nông nghiệp

Trồng cà chua ghép cho năng suất cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, Phòng Kinh tế TP. Pleiku đã triển khai nhiều dự án khoa học-công nghệ cho nông dân trên địa bàn, trong đó dự án trồng cà chua ghép trên gốc cà tím đem lại nhiều triển vọng bởi năng suất, chất lượng tốt, lại an toàn, thân thiện với môi trường.

Trồng cà chua ghép trên gốc cà tím

Qua nhiều khảo sát, Phòng Kinh tế TP. Pleiku nhận thấy kỹ thuật ghép cà chua trên gốc cà tím sẽ tạo ra giống có khả năng chống một số loại sâu bệnh như bệnh thối gốc, úng quả, tuyến trùng, bệnh vi rút... và cho năng suất cao, chất lượng quả tốt. Từ đó, Phòng đã triển khai thực hiện dự án cho gia đình ông Tăng Văn Tuyền (tổ 4, phường Đống Đa) và ông Nguyễn Đình Lang (thôn 5, xã Trà Đa). Khi thực hiện dự án, ngoài việc được cấp 100% cây giống, hệ thống tưới nước nhỏ giọt công nghệ Israel, 2 hộ còn được hỗ trợ một phần chi phí các loại phân bón vi sinh, bạt chống cỏ…, đồng thời được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt sao cho đạt hiệu quả nhất.

 

Ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao. Ảnh: P.V
Ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao. Ảnh: P.V

Sau khoảng 4 tháng thử nghiệm giống cà chua ghép trên gốc cà tím, vườn cây của ông Nguyễn Đình Lang đang cho thu hoạch khá ổn định. Ông Lang chia sẻ: “Tôi được cấp 5.000 cây giống trồng trên diện tích 1.700 m2. So với giống cà chua ghép trên gốc cà dại mà tôi trồng trước đây thì giống cà chua mới có sức đề kháng tốt hơn, ít chết yểu và cho năng suất cao hơn. Mặc dù trồng trong điều kiện thời tiết mưa nhiều nhưng cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh và thời gian cho quả kéo dài hơn. Trung bình thu 3 tấn cà chua/sào, bán với giá 10.000 đồng/kg, cho thu nhập cao hơn hẳn so với các loại rau màu khác. Ước tính cả vườn sẽ cho thu hoạch từ 6 tấn đến 7 tấn/vụ”.

Gần 9.000 cây cà chua giống ghép trên gốc cà tím (trồng trên diện tích gần 3.000 m2) của ông Tăng Văn Tuyền cũng chỉ chờ khoảng 20 ngày nữa là bắt đầu cho thu hoạch. So với giống cà chua truyền thống trước đây, giống cà chua mới này được ông Tuyền đánh giá cao về sức đề kháng và thời gian cho thu hoạch nhanh hơn, quả đều, đẹp.

Đưa khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Tại Gia Lai nói chung và TP. Pleiku nói riêng, việc trồng cà chua còn nhiều bất cập như chưa có bộ giống tốt cho từng vụ và thích hợp cho từng vùng sinh thái khác nhau. Chính vì vậy, việc tìm ra giống và các biện pháp kỹ thuật phù hợp để trồng trong điều kiện thời tiết không thuận lợi nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là cần thiết. Khả năng chống lại bệnh héo rũ và kháng vi khuẩn của gốc cây giống cà tím EG 203 khi kết hợp với ngọn của các giống cà chua chống chịu bệnh vi rút, có khả năng ra hoa đậu quả tốt trong điều kiện nhiệt độ cao như cà chua Savior, Anna, TN 148, VL 3500, VL 642, DV 2926, kim cương đỏ… đã cho ra một loại giống mới có phẩm chất tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Ngoài ra, cùng với phương pháp tưới nhỏ giọt vừa giúp tiết kiệm được nguồn nước, tiết kiệm công lao động lại vừa cung cấp đủ độ ẩm cần thiết đã giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Chị Đinh Thị Hoa-chuyên viên Phòng Kinh tế TP. Pleiku cho biết: “Dự án trồng cà chua ghép trên gốc cà tím kết hợp tưới tiết kiệm nhằm góp phần đa dạng hóa cây trồng tại địa phương, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường đất, môi trường nước trong canh tác rau màu trên địa bàn TP. Pleiku. Đây cũng là cách góp phần nâng cao chất lượng thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, góp phần thực hiện tốt chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch bền vững”.

Mới đây, Phòng Kinh tế TP. Pleiku cũng đã chuyển giao 7.000 cây giống dâu tây Mỹ lai đá trong nhà lưới cho gia đình ông Võ Văn Công (phường Hội Phú) và ông Nguyễn Ngọc Hoàng (xã An Phú) với kỹ thuật trồng trong chậu và tưới bằng công nghệ nhỏ giọt. Giống dâu tây này cũng được đánh giá là phù hợp với khí hậu của Gia Lai, cho quả cứng, đều, hình tim đẹp, có thể bảo quản lâu và vận chuyển đi xa, hứa hẹn đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Phương Vi

Có thể bạn quan tâm