Kinh tế

Trồng cà chua ghép trên gốc cây cà tím trái vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn vốn hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Kbang đã triển khai dự án ghép cà chua trên gốc cà tím trái vụ tại xã Đông. Đến nay, cà chua ghép trên gốc cà tím đã cho thu hoạch với năng suất cao gấp 2-3 lần so với cây chính vụ, mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện.

Dự án ứng dụng kỹ thuật  trồng cà chua ghép  trên gốc cà tím trái vụ được thực hiện trên tổng diện tích  hơn 2,7 ha, tại xã Đông với 14 hộ tham gia, bình quân mỗi hộ 2 sào. Ông Nguyễn Kim Hùng (thôn 7, xã Đông)-một trong những hộ tham gia mô hình cà chua ghép trên gốc cà tím trái vụ-cho biết: Gia đình tôi có hơn 3 sào đất cũng đã trồng nhiều loại rau, màu nhưng không hiệu quả. Những ngày đầu triển khai mô hình, gia đình tôi cũng hơi lo lắng vì chưa biết làm như thế nào nhưng được cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi đã thực hiện theo đúng quy trình từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc. Hiện vườn cà chua của gia đình tôi đã cho thu hoạch, năng suất cao hơn nhiều so với trồng cà chua bình thường.

 

Người dân xã Đông thu hoạch cà chua ghép trên cây cà tím. Ảnh: L.N
Người dân xã Đông thu hoạch cà chua ghép trên cây cà tím. Ảnh: L.N

Để thực hiện dự án đạt kết quả, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện phối hợp với UBND xã Đông tổ chức họp dân, lựa chọn các hộ có sở thích về trồng trọt, có kinh nghiệm, điều kiện để lấy ý kiến thống nhất và đưa vào trồng thử nghiệm. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống và 50% phân bón. Tổng kinh phí dự án là gần 550 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng, còn lại người dân đóng góp), thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 9-2016. Quá trình thực hiện, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn về phương pháp trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây cà chua ghép cho 14 hộ tham gia dự án và 30 hộ khác. Ông Đặng Văn Khá-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông cho hay: Mô hình cà chua ghép trên cây cà tím mang lại hiệu quả cao, thời điểm trái vụ giá cả đầu ra tạm ổn nên đem lại thu nhập cao cho người dân. Trong thời gian đến, xã cũng mong các cấp lãnh đạo quan tâm, nhân rộng mô hình và xây dựng thương hiệu về rau hoặc hoa quả để bà con yên tâm mạnh dạn đầu tư hơn.

Theo đánh giá của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Kbang, giống cà chua ghép trên gốc cà tím có tỷ lệ sâu bệnh hại thấp hơn giống cà chua thường nên tỷ lệ cây sống cao. Hiện cà chua đang cho thu hoạch năng suất trung bình mỗi cây khoảng 10 kg, cao gấp 2-3 lần so với sản xuất cà chua thường. Do sản xuất trái vụ nên cà chua bán được giá hơn so với cà chua chính vụ, hiện giá 5-6 ngàn đồng/kg và được thương lái từ thị xã An Khê, các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng đến tận ruộng thu mua. Với sản lượng mỗi ha đạt khoảng 200 tấn, giá bán ổn định như hiện nay, người dân thu được khoảng 800 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, người trồng cà chua ghép trên gốc cây cà tím còn lãi 500-600 triệu đồng/ha.

Bà Trần Thị Mai-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Kbang cho biết thêm: Dự án cà chua ghép trên gốc cà tím trái vụ bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Đây sẽ là một trong những mô hình để nông dân lựa chọn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây cà chua theo từng lứa hoa để đạt hiệu quả đến cuối vụ. Năm 2017, trên địa bàn huyện Kbang sẽ xây dựng vườn ươm, chúng tôi đề nghị UBND huyện quan tâm chỉ đạo ngành có liên quan sớm đưa giống cà chua ghép trên gốc cà tím vào ươm giống để cung cấp cho người dân có nhu cầu trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn giống đảm bảo phù hợp với khí hậu, thời tiết trên địa bàn, giúp người dân nhân rộng mô hình này.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm