Kinh tế

Nông nghiệp

Trồng cây và hái quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trồng cây đã khó, nhưng hái quả cũng không dễ dàng gì. Cây ăn quả đang là giống cây trồng chủ lực ở đồng bằng Nam bộ và đang phát triển rất mạnh ở Tây Nguyên. Gia Lai là tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để trồng nhiều giống cây ăn quả, từ cây nhiệt đới đến một số giống cây ôn đới.
Mục tiêu của Gia Lai là “đến năm 2021, toàn tỉnh Gia Lai sẽ phát triển và ổn định diện tích cây ăn quả lên 10.000 ha, gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc, thực hiện toàn diện các giải pháp về giống chất lượng cao; ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến; liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã tạo ra chuỗi giá trị… với mục tiêu là tạo ra sản phẩm có uy tín, chất lượng và nâng cao thu nhập cho người dân”.
Gia Lai là tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để trồng nhiều giống cây ăn quả, từ cây nhiệt đới đến một số giống cây ôn đới. (ảnh internet)
Gia Lai là tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để trồng nhiều giống cây ăn quả. (ảnh internet)
Tôi nghĩ, mục tiêu này đã bao gồm tính khả thi và khai thác tốt tiềm năng về trồng cây ăn quả ở Gia Lai.
Có 2 điều kiện cho cây ăn quả sạch phát triển ở Gia Lai, đó là “nước”-với 340 công trình thủy lợi cung cấp nước, và “phân”-với đàn trâu bò gồm hơn 400.000 con. Yếu tố “cần”-chuyên cần, thì người nông dân đã có sẵn, còn yếu tố “giống” lại yêu cầu sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn nông nghiệp của tỉnh, để nguồn giống đưa về trồng bảo đảm là giống tốt, cho quả ngon và kháng sâu bệnh.
Nhưng trồng cây mới là một phần của mục tiêu “hái quả”. Chỉ khi thực hiện thành công việc “chế biến quả” mới kết thúc được phần lao động của mục tiêu này.
Từ tháng 1-2018, Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đã chính thức khởi công xây dựng Trung tâm chế biến rau quả DOVECO (tại Cụm Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang) với diện tích khoảng 6 ha. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ thu hút hàng chục ngàn lao động nông nghiệp, lao động công nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các vùng lân cận, trở thành một trung tâm chế biến rau quả có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam, là điển hình cho chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với doanh thu hàng năm ước đạt từ 1.500 đến 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 70-100 triệu USD.
Với sản phẩm từ cây ăn quả bây giờ, sản xuất thành công vẫn chưa đủ. Chỉ khi chế biến thành công với những nhà máy công nghệ hiện đại mới tạo thành sản phẩm có thể xuất khẩu dưới dạng tinh. Gia Lai là một trong số ít địa phương trong cả nước đã có thể khép kín quy trình sản xuất và chế biến trái cây phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, trong đó khả năng xuất khẩu là khá lớn.
Việc tìm thị trường xuất khẩu và những chế phẩm từ cây ăn quả lại rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT. Lâu nay, sở dĩ có những lúc rau quả Việt Nam phải “kêu cứu” và nhờ “giải cứu” là vì không tìm được “đầu ra” ổn định. Thị trường tiểu ngạch luôn hàm chứa những bấp bênh mà ai cũng biết. Vậy thì chỉ có xuất khẩu qua đường chính ngạch và ký được những hợp đồng dài hạn mới bảo đảm cho những giống cây ăn quả phải trồng nhiều năm mới “hái quả” có được đầu ra ổn định. Không thể cứ mỗi lúc không bán được hàng lại phải “xóa bài làm lại” như tình trạng một số giống cây ăn quả ở đồng bằng Nam bộ đã phải chịu đựng. Trồng cây ăn quả cũng rất cần sự phát triển bền vững. Vì vậy, những thị trường tiêu thụ cây ăn quả của Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng cũng rất cần sự ổn định.
Xu hướng tiêu thụ hạt từ một số giống quả cây đang khá thịnh hành ở Việt Nam, theo đúng xu thế của thị trường thế giới. Gia Lai có thể trồng một số loại cây có quả cho hạt, nhưng cũng phải rất cẩn trọng. Kinh nghiệm trồng cây mắc ca ở Tây Nguyên chắc chắn sẽ cho chúng ta những bài học thực tiễn có ích.
Có thể tiên đoán rằng, khi những giống cây ăn quả bán chạy phát triển trên đất bazan của Tây Nguyên, thì sự cân bằng giống cây trồng sẽ được thiết lập trên mảnh đất ngỡ chỉ là lãnh địa của cây cà phê và hồ tiêu này. Đó cũng là sự phát triển bền vững mang tính chiến lược mà Gia Lai đang có lợi thế. Và khi đã có những vùng trồng cây ăn quả lớn, thì công nghệ cao trong tưới nước và chăm sóc cây sẽ được ứng dụng. Đó mới là điều hết sức quan trọng để giữ nguồn nước ngầm cho cao nguyên đang bị xâm hại khá nghiêm trọng hiện nay. Khi đó, công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel sẽ phổ biến trên vùng đất bazan này.
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm