Ông Nguyễn Văn Tình (thôn 1, xã Chư Á, TP. Pleiku) cho biết: Ông trồng 2 ha chanh dây sạch tại xã Hnol (huyện Đak Đoa) khoảng 2 năm nay. Năm 2023, ông cùng 5 hộ khác được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp để triển khai mô hình sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10 ha. Các hộ đều được tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc và có sổ nhật ký ghi chép hàng ngày.
Trong đợt thu hoạch đầu tiên, gia đình ông thu được 15 tấn quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu với giá 36 ngàn đồng/kg, chưa kể số chanh múc. Hiện nay, vườn chanh dây bắt đầu cho thu hoạch đợt 2. Với giá chanh dây xuất khẩu sang châu Âu dao động trong khoảng 30-36 ngàn đồng/kg, gia đình ông dự ước thu về lợi nhuận ròng khoảng 450 triệu đồng/ha/năm.
“Canh tác chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ sức khỏe cho nông dân và bảo vệ môi trường. Giá chanh dây bán trên thị trường cũng cao hơn so với sản xuất đại trà. Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trong thời gian tới để nâng cao thu nhập”-ông Tình cho hay.
Còn ông Trịnh Xuân Thành (làng Bot Grek, xã Hnol, huyện Đak Đoa) thì thông tin: Gần 1 năm nay, giá chanh dây trên thị trường giảm mạnh khiến nhiều hộ lỗ nặng do chi phí đầu tư lên đến 100-150 triệu đồng/ha.
“Năm nay, tôi tham gia mô hình trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật. Hiện vườn chanh dây 2 ha của gia đình đang phát triển tốt, dự ước thu đợt 1 khoảng 20 tấn quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Với giá hiện tại khoảng 30-36 ngàn đồng/kg, gia đình sẽ có thu nhập khá”-ông Thành tự tin cho biết.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa kiểm tra mô hình trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hnol. Ảnh: N.D |
Thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) với diện tích 10 ha gồm 15 hộ tham gia.
Năm 2023, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình tại xã Hnol trên diện tích 10 ha với 6 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đến nay, năng suất mô hình trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Phìn ước đạt 50 tấn/ha, còn tại xã Hnol ước đạt 50-55 tấn/ha, cho thu nhập cao hơn ít nhất 15% so với sản xuất chanh dây đại trà. Đặc biệt, giống chanh dây được cung cấp ít bị sâu bệnh gây hại, cây sinh trưởng tốt. Việc trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP giúp giảm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, sản phẩm lại đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Mô hình trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: N.D |
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 209 mã số vùng trồng và 33 mã số cơ sở đóng gói. Trong đó, riêng chanh dây có 48 mã số vùng phục vụ xuất khẩu.
Ông Hoàng Thi Thơ-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh-thông tin: Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên năm 2023” được triển khai giúp người trồng chanh dây trên địa bàn tỉnh liên kết sản xuất tạo vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP để kết nối với các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá chanh dây trên thị trường không ổn định dẫn đến không ít khó khăn trong quá trình thực hiện dự án tại xã Ia Phìn và Hnol. “Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Đây cũng là hướng đi bền vững cho cây chanh dây trên địa bàn tỉnh”-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết thêm.