Phóng sự - Ký sự

Trong đội ngũ tiên phong - Kỳ 2: Cùng cả nước vào trận trong những tháng năm đánh Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của địch, một số cán bộ, phóng viên Tiền Phong bám trụ Hà Nội, một số được cử tới các trọng điểm đánh phá ác liệt của Không quân, Hải quân Mỹ trên miền Bắc, một số nữa đi sơ tán.

1. Phóng viên Tiền Phong luôn có mặt ở những điểm nóng

Ở lại thủ đô, mỗi khi giặc Mỹ đánh phá, là các phóng viên lại đến tác nghiệp tại hiện trường, như ở nhà máy điện Yên Phụ, cầu Long Biên... Lúc địch đánh phá ác liệt Quảng Ninh, Thanh Hóa, các tỉnh phía trong nữa như Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt là Quảng Bình và huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), các biên tập viên, phóng viên như Nguyễn Thanh Dương, Lê Văn Ba, Mai Nam, Mạc Lân, Hoàng Phong, Lê Thị Túy, Nguyễn Chí Tình, Kim Khang, Lê Minh Khuê, Đăng Trung … và cả họa sĩ Tôn Đức Lượng đều lên đường tới mặt trận.

Ngày ấy cách chuyển bài hiệu quả nhất về tòa soạn mang ra bến xe ô tô khách, tìm gặp các đồng chí bộ đội nhờ những người đi công tác tới khu vực Hà Nội cầm bài viết về. Phóng viên gọi điện về tòa soạn, thông báo tên người chuyển bài giúp, biển số chuyến xe ô tô, thời gian và địa điểm nhận bài. Đôi khi, không kịp gửi xe, phóng viên phải ra bưu điện, trực tiếp đọc nội dung bài viết qua điện thoại, bộ phận trực ở nhà phải ghi lại trọn vẹn bài phóng sự.

Chỉ huy tự vệ ở Đức Giang-Hà Nội đang chỉ huy chiến đấu, một bức ảnh phóng viên Tiền Phong Mai Nam chụp trong những năm đánh Mỹ

Chỉ huy tự vệ ở Đức Giang-Hà Nội đang chỉ huy chiến đấu, một bức ảnh phóng viên Tiền Phong Mai Nam chụp trong những năm đánh Mỹ

Trong cuộc chiến đấu đó, phóng viên báo Tiền Phong gặp không ít nguy hiểm nhưng đã vào trận với tinh thần dấn thân, chấp nhận mọi điều để hoàn thành nhiệm vụ. Các tác phẩm của họ cổ động, tuyên truyền mạnh mẽ phong trào Ba sẵn sàng do Đoàn Thanh niên phát động, cổ vũ những phong trào như hai mũi tiến công thắng Mỹ, công trình thanh niên, con đường thanh niên, cầu phà thanh niên… Một số phóng viên báo Tiền Phong đã đi theo lực lượng TNXP làm đoạn mở đầu con đường Hồ Chí Minh (đoạn từ Hà Tĩnh đến Bến Thủy), và đặt tên là con đường Quyết thắng. Tên này lần đầu xuất hiện trên báo Tiền Phong.

Trong những năm tháng đánh Mỹ, một tác phẩm của báo Tiền Phong đã có tiếng vang quốc tế mạnh mẽ. Đó là phóng sự “Chúng tôi đòi được trả thù” của Mạc Lân. Năm 1965, Đế quốc Mỹ đã phạm một tội ác cực kỳ dã man, đó là dội bom vào cơ sở nuôi dưỡng điều trị bệnh nhân phong, gọi là Trại phong Quỳnh Lập ở Nghệ An giết 200 bệnh nhân.

Phóng viên Mạc Lân của Tiền Phong đã nhanh chóng có mặt và viết một bài phóng sự lớn tố cáo tội ác tày trời của quân xâm lược. Do không có cách nào gửi ngay bài báo ra tòa soạn, Mạc Lân đã đạp xe ròng rã gần 300 cây số về Hà Nội để bài báo ra sớm nhất có thể. Đó là bài báo đầu tiên về vụ thảm sát, được một số hãng tin quốc tế dẫn lại, tố cáo ra thế giới tội ác của Đế quốc Mỹ.

Những bài báo như “Chúng tôi đòi được trả thù” cùng với các bài viết về sự hi sinh của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, gương chiến đấu dũng cảm của Lê Mã Lương và nhiều anh hùng, chiến sĩ khác trên báo Tiền Phong đã góp phần thôi thúc thế hệ trẻ quyết tâm đánh giặc.

Trong những ngày tháng gian lao đó, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa của người Tiền Phong cũng ra đời để lại những dấu ấn đậm nét. Đó là các bức ảnh “Đi trực chiến” (chụp cô dân quân Nam Ngạn, Thanh Hóa), “Chạy đâu cho thoát” (chụp chiếc máy bay Mỹ bị bắn bùng cháy trên bầu trời), “Cảnh giác” (chụp đàn gà trong trận địa pháo cao xạ) là các tác phẩm của phóng viên Mai Nam giúp ông đoạt giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Hay bộ ký họa Vĩnh Linh đất Thép của họa sĩ Tôn Đức Lượng sau này được giới chuyên môn đánh giá cao và nhà sưu tầm nước ngoài mua trọn bộ.

Năm 1968, 4 phóng viên Tiền Phong được điều động vào chiến trường miền Nam để làm tờ báo của Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Miền Nam Việt Nam. Đến năm 1970, phóng viên Phương Nam của báo Tiền Phong xung phong vào Trường Sơn và mặt trận phía Nam để làm phóng viên mặt trận và gửi ra từ chiến trường miền Nam những tác phẩm rất giá trị.

Nhà báo, nhà thơ Phan Cung Việt của báo Tiền Phong cũng là một trong những phóng viên có mặt ở nhiều chiến trường trọng điểm, khốc liệt. Năm 1972, cuộc tổng tấn công chiến lược diễn ra, Quảng Trị được giải phóng, Phan Cung Việt đã có mặt tại điểm nóng chiến sự này viết ba kỳ phóng sự phản ánh không khí nóng hổi, sôi động, ác liệt của những ngày khói lửa.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, người của báo Tiền Phong, nhà báo Phạm Hậu có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

2. Người Tiền Phong làm nòng cốt xây dựng và phát triển báo Thanh Niên và Tủ sách Thanh Niên ở miền Nam kháng chiến

Năm 1968, khi chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt nhất, một nhóm phóng viên của báo Tiền Phong và báo Thiếu niên Tiền Phong đã gây dựng lên tờ báo Thanh Niên ở chiến trường Miền Nam. Bốn phóng viên báo Tiền Phong gồm Nguyễn Phong Sơn (nhà văn Sơn Tùng), Nguyễn Tâm Tâm, Lưu Quang Huyền và Phạm Hậu. Ba phóng viên của báo Thiếu Niên Tiền Phong là Mạnh Chuẩn, Khải Hoàn, Ái Nhi.

Phóng viên Tâm Tâm và Phạm Hậu ở chiến trường

Phóng viên Tâm Tâm và Phạm Hậu ở chiến trường

Do điều kiện khó khăn nên ban đầu báo Thanh Niên ra mỗi tháng một số, sau đó tăng lên một tháng hai số, dày bốn trang. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thiếu thốn, giữa tháng 10/1968, tờ báo Thanh Niên ra số đầu tiên, in 500 bản. Để làm báo, các phóng viên phải xuống cơ sở trong cả vùng nguy hiểm, bám theo các đơn vị chiến đấu, nhiều lần gặp hiểm nguy, có người dính mìn nhưng may mắn thoát chết. Riêng Sơn Tùng thì hầm bị trúng đạn phóng lựu của địch, ông bị thương rất nặng, phải điều trị hàng năm trời, bị mất gần như toàn bộ sức khỏe, mấy mảnh đạn còn nằm trong đầu, chi co rút. Nhưng sau này, ông thể hiện tấm gương lao động sáng tạo hiếm có, trở thành tác giả của nhiều tác phẩm rất giá trị về Bác Hồ, trong đó có tiểu thuyết “Búp Sen Xanh” và được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nhờ có sự dấn thân của các phóng viên, hàng loạt những bài viết tạo được tiếng vang như “Đất quê tứ kiệt”, “Sáng ngời tinh thần đoàn viên” của Tâm Tâm, “Trận đánh thắng”, “Người con gái Việt”, “Đánh như vũ bão”, “Hoa nở sáng rừng” của Lưu Quang Huyền, “Họ là những thanh niên xung phong giải phóng miền Nam” của Phạm Hậu vv… đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào Năm xung phong do Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng phát động. Nhiều văn nghệ sĩ chiến trường như Giang Nam, Hoài Vũ, Lưu Hữu Phước… cũng gửi các sáng tác về cho báo.

Tháng 4/1971, máy bay Mỹ oanh tạc vào trụ sở của báo ở Tây Ninh. Điều kiện xuất bản càng trở nên khó khăn hơn. Việc in ấn, giấy in đều thiếu trầm trọng. Báo Thanh Niên phải xuất bản cầm chừng, có thời kỳ gián đoạn. Tuy nhiên, các phóng viên vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ. Các tác phẩm một phần được chuyển sang đọc trên đài Phát thanh Giải phóng của Trung ương Cục miền Nam. Nhiều bài viết được phóng viên chiến trường gửi ra báo Tiền Phong ở ngoài Bắc theo các đoàn quân ra Bắc, có khi phải 4-5 tháng mới đến nơi.

Năm 1975, sau ngày toàn thắng, các phóng viên báo Tiền Phong được phân công trở ra miền Bắc, kết thúc bảy năm phóng viên chiến trường. Riêng Phạm Hậu ở lại miền Nam, ông tham gia khôi phục tờ báo Thanh Niên, xuất bản đến năm 1976 thì ngừng. Sau đó, Phạm Hậu chuyển sang làm nhiệm vụ phát triển báo Tiền Phong ở Sài Gòn sau ngày đất nước thống nhất.

Ngoài việc xây dựng và phát triển tờ báo Thanh Niên, bốn phóng viên báo Tiền Phong còn tích cực tham gia vào việc xuất bản tủ sách Thanh Niên ở chiến trường từ tháng 4/1969. Các phóng viên như Lưu Quang Huyền, Sơn Tùng là những nhân vật chủ chốt của việc xuất bản tủ sách.

Các ông đã chủ trì ra một số cuốn sách có giá trị động viên cuộc chiến đấu, trong đó có Tủ sách Thành Đồng.

(Biên soạn theo sách Lịch sử 60 năm báo Tiền Phong và hồi ký “Một thời và mãi mãi” của nhà báo Nguyễn Thanh Dương, người là Thư ký tòa soạn đầu tiên của báo Tiền Phong và là Tổng biên tập báo một giai đoạn dài)

Có thể bạn quan tâm