(GLO)- Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước tự động của gia đình anh Nguyễn Đình Thanh (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê, Gia Lai) tuy mới triển khai nhưng đã thành công bước đầu. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình này còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, từ nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông, đầu tháng 10-2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê đã xây dựng, triển khai thí điểm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước tự động. Mô hình được triển khai tại hộ anh Nguyễn Đình Thanh với quy mô nhà màng rộng 1.000 m2, trồng được khoảng 2.800 cây dưa lưới. Tổng kinh phí thực hiện mô hình khoảng 200 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ khoảng 67 triệu đồng (gồm 100% hạt giống dưa lưới, phân vi sinh, một phần vật tư lắp đặt nhà màng, công thợ), phần còn lại do gia đình anh Thanh đối ứng.
Sản phẩm dưa lưới của gia đình anh Nguyễn Đình Thanh được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Q.T |
Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây dưa lưới sinh trưởng và phát triển rất tốt. Sau khoảng 75 ngày trồng, vườn dưa bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng bình quân đạt 1-1,5 kg/quả. Anh Thanh cho biết: “Dù mới trồng vụ đầu nhưng chất lượng dưa rất tốt, giòn, ngọt, thơm và sạch nên được thị trường ưa chuộng. Giá bán dưa dao động từ 50 ngàn đồng đến 60 ngàn đồng/kg nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường tại địa phương”.
Theo anh Thanh, trồng dưa lưới trong nhà màng tránh được mưa, ngăn côn trùng xâm nhập… nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể so với trồng ngoài trời. Việc áp dụng hệ thống tưới nước, bón phân hoàn toàn tự động giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây kịp thời, chống lãng phí nước tưới, phân bón. Nhờ đó, chi phí đầu tư giảm so với phương thức sản xuất truyền thống, trong khi năng suất, chất lượng tăng cao, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, an toàn.
“Dưa lưới là cây thuộc họ bầu bí, có thời gian sinh trưởng ngắn, mỗi năm trồng được 3 vụ nên hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích khá cao. Nếu trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật thì một nhà màng có diện tích 1.000 m2 cho thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm. Thời gian tới, nếu vay được vốn, tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích nhà màng thêm 1.000 m2, đồng thời tiến hành đăng ký làm chứng nhận VietGAP, tem truy xuất nguồn gốc nhằm tăng giá trị sản phẩm cũng như ổn định hơn về đầu ra”-anh Thanh cho hay.
Ông Lê Sĩ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê-cho biết: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước tự động bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, mô hình còn giúp nông dân đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức canh tác, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn nhân rộng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng cũng như các loại rau màu khác nhằm thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển. Đồng thời, Trung tâm sẽ hỗ trợ làm chứng nhận VietGAP và tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm dưa lưới của hộ anh Thanh để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định…
QUANG TẤN