Thời gian qua, đã có nhiều mô hình kinh tế được các cấp, ngành ở tỉnh Kon Tum triển khai, nhằm giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn ổn định sinh kế.
Thời gian qua, các đơn vị, sở, ban, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; sử dụng cây -con giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện kinh tế để người dân áp dụng đạt hiệu quả.
Điển hình như xã Đắk Trăm (Đắk Tô) vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng mì kém hiệu quả, đất bạc màu sang trồng sâm dây, gừng và dứa xen canh cây mắc ca, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.Hay như ở huyện Tu Mơ Rông, hưởng ứng Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững", đã có 40 mô hình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thế mạnh của địa phương (như nông nghiệp, dược liệu) được thành lập, bước đầu phát huy hiệu quả.
Hay như mô hình nuôi bò, dê có chuồng trại tại xã Đăk Na với hơn 6.500 con được nuôi tập trung, phát triển tốt về cân nặng, ít bị bệnh hơn trước.
Bên cạnh đó, chính quyền xã còn chọn 10 hộ dân trồng thử nghiệm giống lúa mới ST25 theo phương pháp không dùng phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật, mang lại năng suất tương đương với giống lúa cũ nhưng bán được giá cao. Đến nay, toàn xã Đắk Na đã phát triển được hơn 12 ha lúa ST25 với 60 hộ tham gia.
Nhờ phát triển hiệu quả các mô hình sản xuất, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông chỉ còn 8,14%.
Mô hình trồng xen hồng đẳng sâm với cà phê xứ lạnh tại Kon Tum. Ảnh: P.V |
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc Tây Nguyên với dân số hơn 583.000 người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 54%, với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung đã được cải thiện.
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao, chiếm 93,74% số hộ nghèo và 90,4% số hộ cận nghèo toàn tỉnh; trình độ dân trí còn hạn chế; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước; một bộ phận người dân chưa biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và chưa tìm được thị trường tiêu thụ nông sản…
Trước tình hình đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức thành viên đẩy mạnh Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" với nhiều hình thức phù hợp tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở. Nhiều mô hình về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả.
Nhờ thực hiện cuộc vận động, 5.883 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn TP.Kon Tum đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ dần các hủ tục lạc hậu, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 3.957 hộ đồng bào DTTS biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; 2.841 hộ có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ nét; 367 hộ tích cực tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, tạo thu nhập, qua đó giảm 498 hộ nghèo và cận nghèo người DTTS.
Hội nghị sơ kết Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" của TP Kon Tum. Ảnh: P.V |
Cuộc vận động đã từng bước tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đồng bào DTTS, làm cho người dân thay đổi nếp nghĩ, cách sống, cách làm. Nhiều hộ gia đình không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên bằng chính nội lực của mình.
Nhờ thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, tiến bộ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp … đời sống nhiều hộ dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được ổn định, góp phần cho sự phát triển chung của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn một số khó khăn trong khảo sát xây dựng mô hình điểm; việc lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ xây dựng mô hình; nếp văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS vẫn còn tồn tại một số hủ tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến lao động sản xuất cũng như làm hạn chế hiệu quả việc tuyên truyền thay đổi nhận thức.
Thời gian tới tỉnh Kon Tum đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, phương pháp, kết hợp nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất; phát huy vai trò các cá nhân uy tín, người tiêu biểu trong cộng đồng để xây dựng họ thành lực lượng xung kích, đầu tàu trong việc triển khai các mô hình.
Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho đồng bào DTTS nghèo biết áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây con có hiệu quả để tăng năng suất và giá trị kinh tế; đồng thời biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, để tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Tuyền Ngân (Dân Việt)