Kinh tế

Nông nghiệp

Trồng ớt xuất khẩu cho thu nhập cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với chi phí đầu tư thấp, lại dễ chăm sóc, thời gian quay vòng vốn nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định, cây ớt đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân ở huyện Chư Sê.

 Nông dân phấn khởi thu hoạch ớt. Ảnh: N.T
Nông dân phấn khởi thu hoạch ớt. Ảnh: N.T

Trước thực trạng người dân trên địa bàn đang ồ ạt trồng cây hồ tiêu do hiệu quả kinh tế cao nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh ngày càng phức tạp, chi phí đầu tư lớn, việc hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng những loại cây rau màu khác mang lại hiệu quả kinh tế cao như ớt, dâu tây... được huyện Chư Sê hết sức chú trọng. Tháng 4-2016, Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê đã chọn gia đình anh Trần Trung Dũng (thôn 3, xã Ia Hlốp) để triển khai Đề án mô hình trồng ớt xuất khẩu, kết hợp ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm từ nguồn vốn khoa học công nghệ tỉnh trên diện tích 0,8 ha, với tổng kinh phí gần 231 triệu đồng.
 

Ông Nguyễn Hữu Tỵ-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê: “Mô hình trồng ớt xuất khẩu kết hợp ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm đang được nhân rộng tại huyện Chư Sê. Ngoài ra, Trạm Khuyến nông huyện cũng đề nghị UBND huyện tiếp tục đầu tư kinh phí để nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả cho các hộ dân ở một số xã khác nhằm giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần đa dạng hóa cây trồng, phát triển nông nghiệp bền vững”.

Tham gia mô hình, gia đình anh Dũng được Trạm Khuyến nông huyện phối hợp UBND xã theo dõi kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật và được hỗ trợ các loại vật tư theo định mức của đề án như: 100% hạt giống, 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư hệ thống tưới. Ngoài ra, gia đình anh còn được đề án đầu tư đối ứng 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư hệ thống tưới còn lại; 100% công chăm sóc, le cắm chống đổ ngã, phân chuồng, tiền điện, dầu bơm nước.

Sau khi khảo sát các đơn vị có nguồn vật tư phù hợp, chất lượng đạt yêu cầu, Trạm Khuyến nông huyện đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng giống, vật tư phân bón, bạt phủ luống, nguyên liệu hệ thống tưới vận chuyển cấp phát một phần vật tư cho người dân. Trạm cũng hướng dẫn hộ tham gia mô hình mua đối ứng các loại vật tư còn lại. Ngoài ra, Trạm còn lắp đặt, vận hành sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel trên toàn bộ diện tích vườn ớt.

Sau 7 tháng trồng, vườn ớt của gia đình anh Dũng đã cho thu hoạch, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như vị cay, cuống trái không bị rụng, bảo quản được lâu và vận chuyển đi xa. Năng suất ớt thu đợt 1 đạt bình quân 1,5 tấn/sào. Với giá ớt đang được thu mua là 45.000-50.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận gia đình anh Dũng thu được từ 0,8 ha ớt là khoảng 310-370 triệu đồng.

Anh Dũng phấn khởi nói: “Nhờ tham gia đề án trồng ớt xuất khẩu, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định. Cây ớt không phải bỏ nhiều công chăm sóc mà lại ít sâu bệnh, cho năng suất cao. So với cách trồng ớt truyền thống thì trồng ớt theo phương pháp kết hợp ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm cho năng suất gấp đôi, giảm chi phí đầu tư công lao động, tăng hiệu quả sử dụng phân bón và kéo dài thời gian khai thác. Hiện gia đình tôi đã trồng thêm 1 ha ớt theo mô hình này”.

 Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm