Kinh tế

Giá cả thị trường

Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng đông lạnh, Bộ Công Thương khuyến nghị khẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trước việc các cơ quan chức năng của Trung Quốc siết chặt kiểm soát với hàng hoá thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc.
Ngày 21-1, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã thông tin về việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 lây lan qua hàng hóa nhập khẩu.
Theo Bộ Công Thương, vừa qua cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường do lo ngại dịch Covid-19 dễ lây lan qua biên giới khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông và mùa xuân.
Các biện pháp kiểm tra bao gồm lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu trong container để tiến hành kiểm tra, xét nghiệm; khử trùng công đoạn bốc dỡ hàng hóa trên container nhập khẩu; thực hiện phun khử trùng phòng dịch đối với container rỗng trong lúc lau dọn, bốc xếp hàng hóa. Công tác kiểm tra, khử trùng phòng dịch đối với xe chở container cũng như bao bì hàng hóa trên xe cũng được thực hiện tương tự quy trình nêu trên.

Trung Quốc siết chặt kiểm dịch hàng đông lạnh do Covid-19 - Ảnh minh hoạ
Trung Quốc siết chặt kiểm dịch hàng đông lạnh do Covid-19 - Ảnh minh hoạ
Chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc (địa phương có biên giới giáp với 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) cũng đã đưa ra một số yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh. Theo đó, mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu nếu không có đầy đủ các loại giấy tờ sau sẽ không được phép tiêu thụ trên thị trường, gồm: Chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu; chứng nhận khử trùng; chứng nhận thông tin truy xuất nguồn gốc hợp pháp và chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính với Covid-19.
Các sản phẩm thực phẩm đông lạnh nhập khẩu vào Quảng Tây qua các cửa khẩu, cảng biển khi bảo quản, tiêu thụ và gia công trên địa bàn phải được nhập kho giám sát tập trung của địa phương, thực hiện nghiêm túc lấy mẫu axit nucleic, khử trùng toàn bộ bề mặt hàng hóa, quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Các sản phẩm đã thực hiện công tác trên tại tỉnh, TP khác của Trung Quốc vẫn phải nhập kho để đối chiếu, sau đó có thể tiêu thụ hoặc gia công.
Do đó, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm, góp phần góp quá trình thông quan diễn ra thuận lợi hơn.
Bộ Công Thương cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành của Việt Nam để trao đổi với phía Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Minh Chiến (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm