Kinh tế

Giá cả thị trường

Trung Quốc tăng tốc nhập khẩu sầu riêng, sao xuất khẩu sầu riêng Việt Nam vẫn giảm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong khi Trung Quốc nhập khẩu tới 397.000 tấn sầu riêng, trị giá 1,62 tỷ USD thì giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 lại giảm tới 66,3%. Việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, trong khi chưa thể đàm phán xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc khiến giá loại quả vương giả này giảm sâu.

Do tác động của dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,26 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu hàng rau quả giảm chủ yếu do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm. Tháng 7/2020, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, đạt 108,13 triệu USD, giảm 24,2%.

 

Xuất khẩu thanh long giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2020. Ảnh: I.T
Xuất khẩu thanh long giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2020. Ảnh: I.T


Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc đạt 1,15 tỷ USD, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc ngày càng khó khăn khi nước này thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ. Các loại giấy tờ phải chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ mua hàng đối với hàng nông sản dùng làm thực phẩm.

Trong khi đó, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan… tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, trong 7 tháng năm 2020, rau quả Việt cực kỳ đắt hàng tại Thái Lan khi xuất khẩu sang thị trường này tăng tới 215,5%.

 


Giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,26 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tính trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 58,2% thị phần; giá trị xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu rau quả trong 7 tháng đầu năm 2020 giảm do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng giảm.

Trong đó thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất (với 34,4% tổng giá trị xuất khẩu) chỉ đạt 680,7 triệu USD, giảm 7,7%; chuối đạt 119 triệu USD (giảm 9,1%); sầu riêng đạt 59,4 triệu USD (giảm 66,3%); dưa hấu đạt 34,3 triệu USD (giảm 37,7%); nhãn đạt 21,2 triệu USD (giảm 78,5%).

Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 giảm tới 66,3% thì theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi và đông lạnh của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 đạt 397.000 tấn, trị giá 1,62 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trị giá nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc nửa đầu năm 2020 tăng mạnh do giá nhập khẩu tăng mạnh. Giá sầu riêng tươi nhập khẩu đạt 3,98 USD/kg, tăng 59,5% so với cùng kỳ năm 2019. Sầu riêng tươi chiếm 93,7% trong tổng trị giá nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc nửa đầu năm 2020.

 

 Sầu riêng chất đống chờ được tiêu thụ tại Đăk Lăk. Ảnh: D.V
Sầu riêng chất đống chờ được tiêu thụ tại Đăk Lăk. Ảnh: D.V


Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan đạt 63,43 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2019; với giá nhập khẩu bình quân đạt 5,8 USD/kg, tăng 2,9% trong cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Malaysia đạt 40,37 triệu USD, tăng 128,4% so với nửa đầu năm 2019.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu khó khăn khiến giá một số loại trái cây trong nước giảm sâu. Theo các thương lái, mùa này thanh long chín rộ đúng vào thời điểm Covid-19 tái phát ở nhiều nơi trong nước khiến hoạt động tiêu thụ gặp khó khăn.

Giá sầu riêng ở một số địa phương cũng giảm đáng kể, không còn đạt mức đỉnh như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tại Đăk Lăk, thời điểm đầu tháng , giá sầu riêng chỉ 40.000 - 41.000 đồng/kg.

Các vựa xuất khẩu cầm chừng, nguồn hàng trong kho còn ứ đọng nhiều, nên giá bị đẩy xuống nhanh; mùa thu hoạch nhãn ở các tỉnh phía Bắc đặc biệt là tỉnh Hưng Yên vào những ngày dịch Covid - 19 quay trở lại, ảnh hưởng đến tiêu thụ.

Tuy vậy, xuất khẩu trái cây trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc do xuất khẩu trái cây sang Mỹ có nhiều tín hiệu khả quan sau những nỗ lực đàm phán của Bộ NNPTNT Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đã tiếp tục cử chuyên gia thực hiện giám sát xử lý hoa quả tươi xuất khẩu sang thị trường này, sau những gián đoạn do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Đáng chú ý, ngoài thị trường Trung Quốc, xuất khẩu trái cây có nhiều tín hiệu khả quan khi nhiều chủng loại quả của Việt Nam được thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm như: 20 tấn thanh long ruột đỏ của tỉnh Sơn La được xuất khẩu sang Nhật Bản; 7 tấn sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu vào Úc, 10 tấn thanh long ruột đỏ được xuất khẩu sang Nga…

 

https://danviet.vn/trung-quoc-tang-toc-nhap-khau-sau-rieng-sao-xuat-khau-sau-rieng-viet-nam-van-giam-20200907163927195.htm

Theo KHÁNH NGUYÊN (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm