Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Trung tâm Đà Lạt sẽ ra sao sau quy hoạch?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều ý kiến cho rằng kiến trúc mới “xa lạ” với Đà Lạt.

Phối cảnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình (Đà Lạt)
Phối cảnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình (Đà Lạt)



Khu vực trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ có diện mạo mới theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng kiến trúc mới “xa lạ” với Đà Lạt.

Khu trung tâm phức hợp hiện đại

Khu vực quy hoạch này có diện tích 30 ha, thuộc P.1 (TP.Đà Lạt), phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (gần cầu Ông Đạo).

Tại lễ công bố quyết định trên (ngày 15.3), ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh: “Việc công bố quyết định có ý nghĩa rất lớn trong việc quy hoạch, chỉnh trang, thiết kế, đầu tư phát triển khu vực trung tâm của TP.Đà Lạt”.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết thêm: “Khu trung tâm Hòa Bình là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; chưa kể việc xây dựng, buôn bán tại khu vực này rất nhếch nhác, lộn xộn... Do đó cần thiết phải quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại, đầu tư cơ sở hạ tầng xứng đáng là bộ mặt của thành phố du lịch hiện đại”.


 

 
 Đồ án 2 khối nhà bằng kính thay thế cho rạp Hòa Bình (ảnh dưới)
Đồ án 2 khối nhà bằng kính thay thế cho rạp Hòa Bình (ảnh dưới)



Theo Đồ án quy hoạch, khu vực trung tâm Hòa Bình được chia làm 5 phân khu: Phân khu 1 gồm khu vực chợ Đà Lạt và đường Nguyễn Thị Minh Khai, đây là trung tâm thương mại và đường Nguyễn Thị Minh khai sẽ mở rộng thành quảng trường hoa đặc trưng. Các khách sạn Nice Dream (Hải Sơn cũ), Thanh Bình, TTC (Golf 3 cũ), thương xá La Tulipe, các ki ốt đều bị tháo dỡ để tổ chức không gian đi bộ và trồng hoa, cây xanh; dưới quảng trường là bãi đậu xe ngầm.

Cụm khách sạn Bavico chạy dọc đường Lê Thị Hồng Gấm mới xây dựng cũng phải cải tạo “cắt” bớt tầng, “ngắt” đoạn cho thông thoáng. Phân khu 2 là khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 3,37 ha, sẽ trở thành khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách.

Rạp hát Hòa Bình sẽ được phá bỏ, dãy phố sau Bến xe Tùng Nghĩa và dãy phố dọc đường Phan Bội Châu (phía sát chợ Đà Lạt) cũng được giải tỏa cho thông thoáng tầm nhìn. Trung tâm Hòa Bình được thay thế bằng 2 cụm kiến trúc cao từ 3 - 5 tầng, mô phỏng hình đóa hoa bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng.

Phân khu 3 là khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng cũ, có diện tích 4,43 ha thành khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Tại đây có cụm khách sạn cao 10 tầng ngay trên đỉnh núi; có thêm nhiều tuyến đường giao thông được mở để tiếp cận đồi Dinh. Để thực hiện cụm khách sạn, Dinh tỉnh trưởng sẽ được di dời nguyên khối đến một vị trí khác. Phân khu 4 và 5 chủ yếu chỉnh trang các dãy phố hiện hữu.

Tại lễ công bố quyết định quy hoạch trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao nhiệm vụ cho UBND TP.Đà Lạt lập kế hoạch triển khai dự án, lên phương án đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch được phê duyệt. Ngày 19.3, ông Lê Quang Trung cho biết, Dự án quy hoạch chi tiết và chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình đã được HĐND tỉnh thông qua. Cũng theo ông Trung, tất cả các công trình trong khu vực quy hoạch sẽ tích hợp vào một dự án để kêu gọi đầu tư và đấu thầu công khai. Phương thức thực hiện là đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Riêng tiền đền bù giải tỏa ước tính trên 1.000 tỉ đồng.

Thiết kế kiến trúc xa lạ với Đà Lạt

Sau khi trưng bày đồ án quy hoạch chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình, trong đó có việc phá bỏ rạp Hòa Bình, di dời Dinh tỉnh trưởng, dư luận tỏ ra tiếc nuối.


Trả lời Thanh Niên, KTS Đặng Phan Lạc Việt (người gốc Đà Lạt) cho rằng: “Người dân Đà Lạt có quyền tự hào về khu Hòa Bình, rạp Hòa Bình, về khu Dinh tỉnh trưởng… Đó là một phần của lịch sử Đà Lạt. Nếu phá bỏ rạp Hòa Bình, phá bỏ Dinh tỉnh trưởng để thay vào đó là những khối kiến trúc xa lạ thì quá đáng tiếc”.

Còn KTS Trần Công Hòa (Hội KTS tỉnh Lâm Đồng) nêu quan điểm: “Rạp Hòa Bình từ xưa đến nay là “điểm mốc” đô thị Đà Lạt, có thể xem là biểu tượng của Đà Lạt vì gắn bó với đời sống sinh hoạt, tinh thần, chính trị, văn hóa của người Đà Lạt. Từ mọi ngã đường khi nhìn về tháp cao của rạp Hòa Bình dễ dàng định được hướng đi”.

Nhiều KTS cho rằng đồ án vừa công bố chưa tạo được điểm nhấn, chưa thay thế được rạp Hòa Bình; kiến trúc 2 tổ hợp thương mại dịch vụ thiết kế bằng kính quá xa lạ với Đà Lạt, không phù hợp với hiện trạng của thành phố này.

Với Dinh tỉnh trưởng, cả KTS Trần Công Hòa và Đặng Phan Lạc Việt và nhiều người yêu mến Đà Lạt đều cho rằng đó là một công trình có giá trị lịch sử, có giá trị về kiến trúc, văn hóa cần được gìn giữ như trung tâm lưu giữ ký ức của người Đà Lạt. Khu vực quanh dinh là một mảng rừng xanh lâu đời cần bảo tồn cho Đà Lạt. Theo đồ án quy hoạch thì Dinh tỉnh trưởng sẽ di dời nguyên khối đến “góc” nào đó, để thay bằng khối khách sạn cao 10 tầng với kiến trúc mang dáng dấp của Hồi giáo, Ấn Độ rất xa lạ với Đà Lạt.

 


Khu Hòa Bình là khu trung tâm TP.Đà Lạt, nằm trên ngọn đồi cao 1.494,8 m. Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên, tác giả cuốn Đà Lạt bên dưới sương mù, năm 1929 tại vị trí rạp chiếu bóng Hòa Bình hiện nay, có một ngôi chợ cất bằng cây, lợp tôn nên gọi là Chợ Cây. Năm 1931 Chợ Cây bị hỏa hoạn thiêu rụi, năm 1937 Công ty SIDEC xây lại bằng gạch, chợ có tháp cao làm điểm nhấn và các hành lang thiết kế thành các ki ốt được sử dụng với các chức năng là chợ. Quảng trường trước chợ và đường quanh chợ gọi là Place du Marché (Quảng trường Chợ).

Năm 1953, Place du Marché đổi là khu Hòa Bình. Xung quanh chợ là các cửa hiệu của người Việt, Hoa, Pháp và Ấn Độ. Năm 1960 khu Chợ Mới Đà Lạt hoàn thành, làm thay đổi diện mạo khu trung tâm đô thị Đà Lạt. Từ đó, Chợ Cây được sửa thành rạp chiếu bóng Hòa Bình.



Lâm Viên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm