Bạn đọc

Trung tâm Y tế huyện Chư Prông: Khó khăn trong tự chủ tài chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10-10-2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, tỉnh ta đã tiến hành triển khai nhằm đảm bảo lộ trình đến năm 2018, tất cả các bệnh viện công lập phải tự chủ hoàn toàn về tài chính. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều bệnh viện tuyến huyện đang gặp khó khăn, trong đó có Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Chư Prông.

Từ tháng 10-2016, TTYT huyện Chư Prông đã bắt đầu áp dụng một phần tự chủ tài chính không toàn phần theo Thông tư 37 của Bộ Y tế. “Từ khi triển khai đến nay, Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho các nhân viên hành chính và y tế dự phòng, còn đội ngũ làm công tác chuyên môn gồm y-bác sĩ, dược sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng... thì Trung tâm phải lấy nguồn thu từ công tác khám-chữa bệnh cho người dân và bảo hiểm y tế để chi trả.  Những tháng cuối năm 2016, việc chi trả vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, theo quyết toán 2 quý đầu năm 2017, nguồn thu từ việc khám-chữa bệnh chỉ đáp ứng được 80% cho công tác chi”-ông Nguyễn Xuân Tạo-kế toán TTYT huyện Chư Prông, cho biết. Được biết, từ đầu năm tới nay, mỗi tháng Trung tâm phải chi trả khoảng 330 triệu đồng cho 15 y-bác sĩ, 3 dược sĩ, 6 nữ hộ sinh, 6 kỹ thuật viên và 19 điều dưỡng.

 

Một khu nhà của Bệnh viên Đa khoa Chư Prông bị bong la-phông. Ảnh: H.D
Một khu nhà của Bệnh viên Đa khoa Chư Prông bị bong la-phông. Ảnh: H.D

Chư Prông là địa phương có 20 xã, thị trấn (gần 1/3 số xã nằm trên các tuyến quốc lộ như: Ia Băng, Bàu Cạn, Bình Giáo, Thăng Hưng...). “Từ các xã này đến TTYT huyện vừa ngược đường, vừa xa hơn rất nhiều so với ra Bệnh viện  Đa khoa TP. Pleiku hay Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Do vậy, khi có bệnh, người dân ở các địa phương này hầu hết đều ra Pleiku để khám-chữa bệnh chứ hiếm có trường hợp đi ngược vào huyện. Người dân ở một số xã vùng sâu, vùng xa như Ia Piơr, Ia Tôr... cũng theo tỉnh lộ 665 ra thành phố khám-chữa bệnh vì tiện hơn. Chưa kể những người có tiền, họ có xu hướng vào  TP. Hồ Chí Minh để khám-chữa bệnh. Do vậy, nguồn thu ở đây không còn được mấy”-ông Võ Hoài Long-Giám đốc TTYT huyện Chư Prông, lý giải.

Bên cạnh đó, biên chế bác sĩ chuyên khoa cho Trung tâm vẫn chưa đầy đủ. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa huyện Chư Prông vẫn còn thiếu bác sĩ gây mê, đồng nghĩa với việc không thể thực hiện những ca phẫu thuật. Bác sĩ tai-mũi-họng thì một thời gian nữa mới được bổ sung (hiện đang đi học). Số bác sĩ cử tuyển (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) cũng khá nhiều-tới 10 người. Thêm nữa, cơ sở vật chất của bệnh viện cũng đã xuống cấp, tường thấm nước ẩm mốc và bong tróc từng mảng lớn, la-phông hư hỏng, có chỗ phải chằng ngang dọc để không bị rớt. Khu vực vệ sinh cũng bị xuống cấp trầm trọng. Đây  là những nguyên nhân khiến TTYT huyện khó thu hút bệnh nhân đến khám-chữa bệnh.

Với mục tiêu thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội... thì cơ chế tự chủ là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Đây cũng được coi là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành Y tế để phù hợp với cơ chế thị trường, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh. Về lâu dài, việc thực hiện cơ chế tự chủ ở tất cả các bệnh viện công lập sẽ khắc phục được những hạn chế, thách thức hiện nay như trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đầu tư trang-thiết bị. Tự chủ tài chính cũng sẽ khiến các bệnh viện phải coi bệnh nhân là “nguồn sống”, từ đó thay đổi thái độ phục vụ. Song với tình hình như hiện nay, việc tự chủ về tài chính trước mắt đã khiến các cơ sở y tế gặp khó khăn nhất định. “Và càng khó hơn khi đến năm 2021, việc khám-chữa bệnh được thông tuyến trên toàn quốc, bệnh nhân chắc chắn sẽ lên hết tuyến trên, nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, trang-thiết bị cùng đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao”-ông Tạo nhận định.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm