Trường Cao đẳng Gia Lai đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ cao cho người lao động gắn với nhu cầu của thị trường lao động và quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; những năm qua, Trường Cao đẳng Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp trong dạy và học, qua đó góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. 
Trường Cao đẳng Gia Lai được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai với các trường: Trung cấp Y tế, Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Đông, Nam Gia Lai. Hiện nay, nhà trường đào tạo 37 ngành nghề với các nhóm ngành cơ bản: Công nghệ kỹ thuật, Nghiệp vụ-du lịch, nông nghiệp, Văn hóa-nghệ thuật.
Anh Lê Quốc Vương (23 tuổi, hiện đang công tác tại bộ phận vận hành, Nhà máy Thủy điện Ia Grai 3, thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 4) cho biết: “Mình là sinh viên lớp Cao đẳng Điện công nghiệp 2015A. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp, mình được nhà trường giới thiệu đến làm việc tại Công ty cổ phần Sông Đà 4 với mức thu nhập bình quân từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Xu hướng phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời ở Gia Lai là khá cao, vì vậy mình cho rằng, các bạn học nghề điện sẽ rất dễ kiếm việc làm với mức thu nhập hợp lý”.
Còn với anh Nguyễn Đức Cảnh (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) thì lại chọn con đường khởi nghiệp sau khi kết thúc chương trình học nghề tại nhà trường. Tốt nghiệp trung cấp nghề cắt gọt kim loại, anh Cảnh mở xưởng sản xuất thiết bị nông nghiệp và thuê nhân công là những sinh viên của trường với mức thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng/người. Với những đơn hàng thường xuyên, anh phải liên hệ với Phòng Vật tư thiết bị và Tiếp xúc doanh nghiệp (Trường Cao đẳng Gia Lai) để tìm kiếm được lao động phù hợp.
Đào tạo nghề may tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp
Ông Phạm Anh Tiến-Trưởng phòng Vật tư thiết bị và Tiếp xúc doanh nghiệp-cho hay: “Hàng năm, nhà trường luôn có những đợt làm việc với doanh nghiệp để gửi sinh viên đi thực tập cũng như kết nối việc làm. Chỉ riêng trong 10 tháng năm 2020, số đơn hàng tuyển dụng lao động nhà trường nhận được là hơn 5.000 người nhưng hiện tại nhà trường chỉ đáp ứng được 1/5 con số này. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cần số lượng lao động qua đào tạo là rất lớn”. Chính điều này đã một lần nữa khẳng định học sinh, sinh viên tham gia vào thị trường giáo dục nghề nghiệp sẽ không lo thất nghiệp.
Theo ThS. Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai: Nhà trường luôn định hướng công tác đào tạo bám sát với thực tiễn, yêu cầu năng lực mà doanh nghiệp đề ra. Mặt khác, là đơn vị đóng chân trên địa bàn tỉnh với các cơ sở đào tạo vệ tinh tại các huyện, thị xã rất thuận tiện để người dân có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp theo học. Năm học này, sau khi sáp nhập, nhà trường có thêm các ngành nghề đào tạo mới như: du lịch, y dược; những ngành nghề cũ được bổ sung đội ngũ giáo viên, cơ sở thực hành từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
“Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) nêu rõ: “Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ cao còn hạn chế; công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ cấu ngành, nghề đào tạo lao động còn nhiều bất cập so với yêu cầu của nền kinh tế và của thị trường lao động… Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, tăng 10% so với năm 2020”. Bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhà trường có chiến lược đẩy mạnh phát triển các ngành nghề thuộc khối nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp chế biến, du lịch để có thể đáp ứng với nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới của tỉnh để đưa tỉnh ta trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên”-ThS. Phạm Văn Điều khẳng định.
Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 7,04%, trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 87,2%. Chính vì vậy, việc lấy giáo dục làm căn cơ để tạo cơ hội giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng được Trường Cao đẳng Gia Lai quan tâm đặc biệt để góp phần đạt mục tiêu an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Năm học này, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 79% tổng số học sinh, sinh viên toàn trường. Đây là một thách thức cho nhà trường trong công tác đào tạo; tuy nhiên cũng là tín hiệu tích cực vì người dân tộc thiểu số đã dần quan tâm đến công tác đào tạo nghề, xem đào tạo nghề là một công cụ để có sinh kế bền vững và xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm