Trường Cao đẳng Nghề số 21: Đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Nghề số 21 (Bộ Quốc phòng) đã trở thành điểm sáng đào tạo nghề, được đánh giá cao về chữ tín và chất lượng đào tạo.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 21-cho biết: Năm 2009, trường được thành lập với tên gọi Trường Trung cấp Nghề số 21 đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đến ngày 31-3-2015, trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Nghề số 21. Chức năng, nhiệm vụ của trường là đào tạo nghề theo 3 cấp: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề cho bộ đội xuất ngũ, con em diện gia đình chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, trường có 108 cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác, giảng dạy tại 5 khoa nghề, 5 phòng ban, 2 trung tâm, 2 đại đội huấn luyện.
Một giờ thực hành của các học viên lớp cơ khí. Ảnh: P.N
Những năm gần đây, nhà trường đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mua sắm trang-thiết bị, máy móc, xây dựng hệ thống nhà xưởng đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề trình độ cao đẳng. Em Phan Xuân Lợi-học viên khóa Quân y-cho biết: “Được học tập tại Trường Cao đẳng Nghề số 21, em cảm thấy rất vinh dự vì đây là môi trường có truyền thống về ngành Y. Ở đây, em được học tập và thực hành rất nhiều để sau này có kiến thức trở về công tác tại đơn vị. Ngoài học tập, em còn được tham gia các hoạt động xã hội, thể thao”. Còn em Trần Thị Mỹ Linh thì chia sẻ: “Gia đình em ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Qua quá trình tìm hiểu, thấy Trường Cao đẳng Nghề số 21 có chất lượng đào tạo tốt, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định nên em quyết định theo học ở đây để đảm bảo tương lai sau này”.
Trung tá Đinh Văn Phê-Trưởng khoa Cơ khí-cho hay: “Với phương châm chất lượng đào tạo là lựa chọn hàng đầu, giải quyết việc làm là ưu tiên số một, những năm gần đây, công tác đào tạo của nhà trường luôn gắn với quyền lợi người học, đó là giải bài toán về việc làm cho học viên sau khi ra trường. Để làm được điều này, nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác tuyển sinh; đổi mới, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; bảo đảm đồng bộ cơ sở vật chất, quản lý và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên”. Có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ khí, anh Đặng Quang Nam-công nhân Doanh nghiệp tư nhân Gia Thịnh-chia sẻ: “Trong thời gian học ở trường, tôi được sự giúp đỡ và dạy bảo chân tình của các thầy từ khâu lý thuyết đến thực hành. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã đi làm ổn định, mức lương hiện tại là 7 triệu đồng/tháng”.
Giờ thực hành của học viên lớp điều dưỡng. Ảnh: Phạm Ngọc

Từ khi thành lập đến nay, Trường Cao đẳng Nghề số 21 đã đào tạo được 1 khóa cao đẳng dược-điều dưỡng; 30 khóa y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng hệ sơ cấp và trung cấp; 26 khóa sửa chữa ô tô; 28 khóa hàn; 10 khóa tin học văn phòng; 3 lớp tiếng Anh chứng chỉ A, B; 149 khóa lái xe các hạng... cho 20 ngàn học viên là bộ đội xuất ngũ và hệ dân sự. Kết quả tốt nghiệp đào tạo nghề hàng năm 100% đạt yêu cầu, trong đó khá, giỏi trên 85%; học viên lái xe ô tô các hạng thi sát hạch tốt nghiệp quốc gia đạt 87-92%. Số lượng đào tạo hàng năm của nhà trường trung bình từ 2.400 đến 3.100 học viên.

Bên cạnh việc đào tạo nghề, công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự tồn tại và phát triển nhà trường. Chính vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, chủ động phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung để tư vấn hướng nghiệp cho bộ đội. Binh nhất Ngô Minh Nhân (Đại đội 3, Tiểu đoàn 86, Lữ đoàn Thông tin 132) chia sẻ: “Mới đây, tôi được các thầy giáo của Trường Cao đẳng Nghề số 21 xuống tận đơn vị để tư vấn học nghề sau khi xuất ngũ. Việc các thầy tuyên truyền, định hướng nghề cho chúng tôi là rất bổ ích. Qua đó, tôi sẽ có cái nhìn tổng quát để định hướng học nghề phù hợp sau khi xuất ngũ trở về địa phương”.
Trao đổi với P.V, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm: “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng nhà trường trở thành một trường cao đẳng nghề chất lượng cao trong khu vực. Do vậy, trước hết, nhà trường phải kiện toàn cấp ủy, tổ chức biên chế phù hợp với yêu cầu mới; tập trung xây dựng các chương trình đào tạo, ưu tiên những ngành nghề phù hợp với thị trường lao động; tăng cường hợp tác liên kết, mở rộng quy mô đào tạo, tích cực nghiên cứu, tiếp thu và áp dụng khoa học kỹ thuật trong giảng dạy, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường để chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao”. Cũng theo Đại tá Sơn, bên cạnh đó, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy nghề phù hợp với các ngành nghề để xây dựng nhà trường trở thành cơ sở đào tạo chất lượng, có uy tín và là địa chỉ tin cậy trên địa bàn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm