Bạn đọc

Trường hợp nào cảnh sát được phép nổ súng?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

* Khi nào người đang thi hành công vụ được phép nổ súng? Nếu xảy ra chết người do việc nổ súng gây nên, thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



- Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã có quy định rõ các nguyên tắc người đang thi hành công vụ được phép nổ súng. Sắp tới đây, pháp lệnh này sẽ được thay thế bởi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực từ 1-7-2018.

Theo đó, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự có tổ chức, việc nổ súng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau: phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng; chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.

Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì được nổ súng ngay.

Việc cảnh báo trước khi nổ súng được thể hiện bằng mệnh lệnh qua lời nói hoặc bắn chỉ thiên. Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Bên cạnh các nguyên tắc khi nổ súng tương tự như Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã quy định lại một số trường hợp người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng mà không cần cảnh báo, gồm có: đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó; đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Người được giao sử dụng súng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi đã tuân thủ hoàn toàn các quy định liên quan đến việc nổ súng đã nêu ở trên.

Chỉ trong trường hợp sử dụng súng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì xét các yếu tố lỗi, người này có thể bị xử lý theo quy định pháp luật hình sự.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam)-Theo sggp

Có thể bạn quan tâm