Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 677.286 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơ quan công tố đề nghị mức án tương ứng với hành vi của mỗi bị cáo, ngoài ra xác định số tiền bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt nhiều hơn 2 lần so với nhận định trước đó

Ngày 19-3, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). VKSND TP HCM giữ quyền công tố đã luận tội 86 bị cáo.

Không hối cải, tiếp tục đổ lỗi

Tại phần luận tội đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát, cơ quan thực hành quyền công tố đã xác định lại số tiền mà bị cáo này chiếm đoạt của SCB.

VKS cho rằng với mục đích chiếm đoạt tài sản, bị cáo Trương Mỹ Lan đã can thiệp, chi phối, chỉ đạo hàng loạt lãnh đạo, cán bộ SCB, lãnh đạo chủ chốt ở các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, các công ty "ma". Từ đó, thực hiện hành vi trái pháp luật.

Thời gian từ ngày 1-1-2012 đến 17-10-2022, bị cáo Lan đã chiếm đoạt số tiền 677.286 tỉ đồng của SCB (trước đó cáo trạng xác định hơn 304.000 tỉ đồng). Đây là số tiền đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội, không hề ăn năn mà còn đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền và nhiều người khác ở SCB.

Theo cơ quan công tố, bị cáo Trương Mỹ Lan không hề ăn năn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo cơ quan công tố, bị cáo Trương Mỹ Lan không hề ăn năn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

VKS cũng nhận định hành vi phạm tội của bị cáo này gây dư luận xấu trong xã hội cũng như dư luận quốc tế về kiểm soát, điều hành kinh tế, chính sách tiền tệ của Việt Nam. Cần loại bị cáo khỏi đời sống xã hội để răn đe, phòng ngừa hành vi phạm tội tương tự.

Ghi nhận sự thành khẩn

Theo VKS, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan, 80 bị cáo khác đều ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi phạm tội. Nhiều bị cáo tích cực phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ bản chất vụ án nên được đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt nhằm thể hiện sự ghi nhận đối với việc hợp tác tích cực của họ.

Nhiều bị cáo không có vai trò quyết định, phạm tội trong tình thế giúp việc cho người nắm quyền lực thực tế tại SCB, nếu không làm sẽ bị cho nghỉ hoặc sẽ bị chuyển qua làm việc khác nên phải thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, nhiều bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải…

Một số bị cáo là nhân sự tại SCB, Vạn Thịnh Phát thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức, không được hưởng lợi từ số tiền Trương Mỹ Lan chiếm đoạt. Do đó, VKS đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt.

Ngày 19-3, các bị cáo biết được mức án phải đối diện. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngày 19-3, các bị cáo biết được mức án phải đối diện. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đối với nhiều bị cáo từng làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước, khi phát hiện sai phạm tại SCB đã có kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý nhưng không có quyền quyết định, không bảo lưu được quyết định của mình, VKS cũng đề nghị xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt.

Đối với Đỗ Thị Nhàn - Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, VKS nhận định bị cáo này trực tiếp chỉ đạo cấp dưới tham mưu, xây dựng báo cáo không trung thực về thực trạng tài chính rất xấu của SCB.

Vì mục đích vụ lợi cá nhân, bị cáo Nhàn đã 4 lần nhận của bị cáo Trương Mỹ Lan tổng số tiền 5,2 triệu USD thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB, để bao che, bưng bít sai phạm tại SCB. Nhờ vậy, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

VKS đề nghị HĐXX cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm minh, cách ly bị cáo này ra khỏi đời sống xã hội để răn đe, đồng thời cảnh tỉnh đối với các cán bộ, công chức đang giữ chức vụ trong các tổ chức xã hội.

Đối với 5 bị cáo bỏ trốn, tại tòa, họ đã có luật sư chỉ định thực hiện bào chữa. Căn cứ hồ sơ vụ án, xét hỏi tại tòa, đủ căn cứ xác định hành vi của 5 bị cáo như cáo trạng truy tố và cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.

Cũng theo nội dung luận tội, các bị cáo trong vụ án đều là người có trình độ học thức, đầy đủ năng lực để nhận thức điều gì không phù hợp, điều gì trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, chỉ vì tư lợi, động cơ cá nhân, họ đã thực hiện hành vi phạm tội.

Hành vi của các bị cáo xâm phạm quy định về quản lý kinh tế, gây thất thoát, thiệt hại tài sản lớn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; gây ảnh hưởng xấu và giảm uy tín của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý kinh tế; gây bất bình, tạo dư luận xấu trong xã hội. Vì thế, xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe, giáo dục.

Đề nghị 1 án tử hình, 4 án chung thân

VKSND TP HCM đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 19-20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ"; tử hình về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt bị đề nghị là tử hình.

Có 4 bị cáo bị đề nghị mức án chung thân gồm Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II); Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng (cùng là cựu Chủ tịch HĐQT SCB); Võ Tấn Hoàng Văn. Trong đó, bị cáo Thành đang trốn truy nã.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 24 năm tù về các tội danh khác nhau.

Nghe đại diện cơ quan công tố đề nghị mức án, bị cáo Trương Mỹ Lan không thay đổi biểu cảm; bị cáo Đỗ Thị Nhàn cùng nhiều bị cáo khác cúi đầu.

Có thể bạn quan tâm