Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai: 40 xây dựng và trưởng thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai được thành lập ngày 14-10-1978. 40 năm qua, nhà trường đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho địa phương và khu vực. 
Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực 
Tiền thân của Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh là Trường Trung học Văn hóa-Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch). Sau 40 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã trở thành cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và nhiều trình độ (từ sơ cấp, trung cấp đến liên thông đại học). Toàn trường hiện có 48 cán bộ, giáo viên, nhân viên, hầu hết đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn, đảm bảo chất lượng đào tạo các chuyên ngành văn hóa-nghệ thuật. Hiện nay, nhà trường tổ chức đào tạo 11 ngành, bao gồm: Thanh nhạc, Organ, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Biểu diễn nhạc cụ dân tộc, Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc và Hội họa (thời gian đào tạo 3 năm); Quản lý văn hóa, Thư viện-Thiết bị trường học, Hướng dẫn du lịch, Quản trị du lịch và Nghiệp vụ lễ tân (thời gian đào tạo là 2 năm đối với học sinh tốt nghiệp THPT và 3 năm đối với học sinh tốt nghiệp THCS).
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật Gia Lai. Ảnh:L.H
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật Gia Lai. Ảnh:L.H
Ngoài ra, từ năm 2008, nhà trường còn phối hợp với Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh mở được 6 khóa liên thông từ trung cấp lên đại học, hệ vừa làm vừa học thuộc 2 ngành: Quản lý văn hóa và Khoa học thư viện; liên kết với Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh mở các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; liên kết với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên-Giáo dục Nghề nghiệp các huyện trong tỉnh đào tạo các lớp sơ cấp về du lịch cộng đồng, chỉnh chiêng, tạc tượng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc... Trường cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác văn hóa-thông tin ở cơ sở. Ngoài phạm vi tỉnh nhà, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh còn vươn ra liên kết, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh lân cận. 
Hầu hết học sinh, sinh viên (HSSV) sau khi ra trường đều trở thành những diễn viên, nghệ sĩ thành công trong các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc khu vực Tây Nguyên; giáo viên Nhạc-Họa trong các trường Tiểu học, THCS; cán bộ nghiệp vụ, cán bộ phong trào tại các cơ quan, đơn vị ở địa phương... góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Nhiều HSSV của trường đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt, có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn khá, giỏi trong các cơ quan văn hóa-thông tin, giáo dục và đào tạo. 
Nhiều thành tích đáng ghi nhận
 
Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng ba (năm 1998); Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2008); Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2013); 3 lần được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng cờ thi đua; 2 lần được UBND tỉnh tặng cờ thi đua trong phong trào thi đua yêu nước...

Những năm qua, thầy và trò Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh đã tham gia các hội thi khu vực và toàn quốc, đạt nhiều thành tích cao. Năm 2012, tại hội thi “Tài năng trẻ HSSV các trường văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch” toàn quốc, HSSV nhà trường đã đạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. Năm 2015, cũng tại hội thi này, đơn vị xuất sắc giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, 1 giải khuyến khích, 1 giải tác giả dàn dựng xuất sắc nhất. Trên “sân chơi” truyền thống này, năm 2017, HSSV nhà trường tiếp tục mang về 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng, 1 giải khuyến khích, 1 giải tác giả dàn dựng xuất sắc nhất. Từ năm 2011 đến nay, giáo viên nhà trường cũng đã tham gia và đạt giải cao tại hội thi “Giáo viên dạy giỏi Trung cấp chuyên nghiệp” cấp tỉnh và toàn quốc. Đến nay, toàn trường có 8 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 3 giáo viên dạy giỏi toàn quốc. 
Từ năm 2010 đến nay, Hội đồng Khoa học-Nghệ thuật của trường đã đánh giá, nghiệm thu hàng trăm đề tài, sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên. Nhà trường còn được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch giao chủ nhiệm dự án mục tiêu quốc gia về “Bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc Bahnar, Jrai” và đã được nghiệm thu năm 2011. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao cho trường làm chủ nhiệm đề tài “Phương pháp dạy và học cồng chiêng của đồng bào dân tộc Bahnar và Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Đề tài đã được nghiệm thu và đưa vào chương trình giảng dạy từ năm 2015.
Với những thành tích đạt được trong 40 năm qua, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh đã góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của ngành văn hóa-nghệ thuật cả nước, đồng thời nỗ lực đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Hiện nay, trước đề án của tỉnh về sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng ở địa phương, tâm nguyện lớn nhất tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và HSSV nhà trường là sẽ được duy trì cơ sở đào tạo để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là nền văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Thanh Tùng

Có thể bạn quan tâm