Sống trẻ - Sống đẹp

Cuộc thi "Thử thách sáng tạo cùng Cung đường biết nói”:

Truyền đạt thông điệp của giới trẻ về vấn đề an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 29-10, tại Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku), Quỹ phòng-chống thương vong châu Á (AIP) phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Gia Lai, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng Cung đường biết nói”. Thông qua các tiết mục dự thi đặc sắc cùng với những vũ điệu sôi động, các đội thi đến từ 10 trường THPT và THCS trên địa bàn TP. Pleiku đã góp phần kêu gọi học sinh hưởng ứng tham gia công tác đảm bảo ATGT.

Với thông điệp “Tuổi trẻ hành động vì những cung đường an toàn”, các đội tham gia đã chọn 1 trong 3 hình thức thi như: Hát Rap; sáng tác điệu nhảy, múa (vũ điệu) hoặc kết hợp cả hát Rap và vũ điệu dựa trên nền nhạc, lời của video âm nhạc “Cung đường biết nói”.

Tiết mục biểu diễn của các em học sinh trường THCS Phạm Hồng Thái cùng với thông điệp tuyên truyền về an toàn giao thông. Ảnh: Minh Phương

Tiết mục biểu diễn của các em học sinh trường THCS Phạm Hồng Thái cùng với thông điệp tuyên truyền về an toàn giao thông. Ảnh: Minh Phương

Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, các tiết mục đã thu hút và nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo học sinh. Dù thời gian thể hiện các tiết mục không quá 4 phút nhưng với cách thể hiện tự tin, sinh động cùng với những điệu nhảy sôi động qua phần hát Rap và kết hợp vũ đạo, các đội thi đã tạo ra không khí vô cùng náo nhiệt, phấn khích đối với từng tiết mục dự thi. Đây được xem là sân chơi bổ ích, tạo cơ hội để các em học sinh giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Em Võ Nhật Trường Sơn - Lớp 12 B1, Trường THPT Pleiku không giấu được niềm vui khi tiết mục dự thi của đội đạt giải cao nhất của khối THPT. Em Sơn cho biết: Thông qua tiết mục dự thi, nhóm của em muốn truyền tải đến các bạn thông điệp về giao thông an toàn, đặc biệt là nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về ATGT để hạn chế tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra. Để hoàn thành tiết mục dự thi, ngoài việc tập luyện phần lời bài hát sao cho đúng chất Rap, Sơn cùng nhóm bạn (8 người) còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, lựa chọn cách thể hiện vũ điệu. “Chúng em tập hơn nửa tháng mới thuần thục các động tác nhảy kết hợp với lời bài hát. Trở ngại nhất là các bạn trong nhóm nhảy vũ đạo học ở các lớp khác nhau (từ lớp 10 đến lớp 12) nên rất khó để sắp xếp thời gian, phải tranh thủ tập luyện vào buổi tối”-Sơn chia sẻ.

Tương tự, em Nguyễn Lê Huy Nhã Uyên- Lớp 6/7, Trường THCS Nguyễn Du cho hay: Để giành giải nhất khối học sinh THCS, em và các bạn trong nhóm đã tuân thủ theo hướng dẫn của thầy cô dạy vũ đạo. Vì lần đầu tham gia nên chúng em rất cố gắng tập luyện, chú ý từng động tác nhảy sao cho khớp với lời bài hát. Nói về thông điệp tuyên truyền của tiết mục dự thi, Uyên cho biết thông qua các ca khúc, vũ điệu được sáng tác cho dự án em muốn nhắn gửi với các bạn là phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chú ý đến các quy định về ATGT để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Phần tham gia biểu diễn của Rapper Yuno Bigboi khiến bầu không khí tại cuộc thi càng trở nên sôi động hơn. Ảnh: Minh Phương

Phần tham gia biểu diễn của Rapper Yuno Bigboi khiến bầu không khí tại cuộc thi càng trở nên sôi động hơn. Ảnh: Minh Phương

Đánh giá về cuộc thi, ông Võ Ngọc Quảng-Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Cuộc thi "Thử thách sáng tạo cùng Cung đường biết nói” nằm trong Dự án "Tuổi trẻ và những Cung đường biết nói” nhằm giáo dục nâng cao nhận thức về ATGT cho học sinh; đồng thời phát huy tính sáng tạo đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về ATGT cho học sinh, góp phần giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, nhất là lứa tuổi học sinh.

Tuy thời gian phát động ngắn nhưng nhiều đội thi các trường đã có sự chuẩn bị và có nhiều tiết mục biểu diễn rất tốt từ nội dung đến hình thức thể hiện, qua đó góp phần lan tỏa về những “cung đường biết nói” và ý kiến của các em học sinh để làm sao đường đến trường của các em được an toàn hơn. Mặt khác, thông qua cuộc thi cũng kêu gọi thanh-thiếu niên quan tâm hơn đến ATGT, chuyển từ nhận thức sang hành vi để có tiếng nói của mình giúp cho giao thông được an toàn.

Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 2 giải nhất cho Trường THPT Pleiku và THCS Nguyễn Du; 2 giải nhì cho Trường THPT Lê Lợi, THCS Phạm Hồng Thái; 2 giải 3 cho Trường THPT Chuyên Hùng Vương và THCS Nguyễn Huệ; đồng thời trao giải phụ dành cho bài đăng, chia sẻ trên facebook được cộng đồng mạng yêu thích nhất cho em Nguyễn Dương Huệ Anh-Trường THPT Chuyên Hùng Vương.

Tại chương trình, các đại biểu, thầy cô và học sinh cũng được tìm hiểu về ứng dụng “Kết nối thanh thiếu niên” (ứng dụng YEA). Đây là công cụ hỗ trợ giới trẻ trực tiếp chia sẻ ý kiến và báo cáo những nơi an toàn hay có nguy cơ gây rủi ro cho các em khi đến trường. Thông qua ứng dụng, các cơ quan chức năng sẽ được cung cấp thông tin dữ liệu dưới dạng khuyến nghị và dựa trên bằng chứng để từ đó góp phần đưa ra các biện pháp can thiệp an toàn đường bộ hiệu quả nhất. Ý kiến phản hồi của các em sẽ hỗ trợ xác định các điểm đen giao thông để thực hiện đánh giá chi tiết hơn về mức độ an toàn của khu vực trường học.

Sau khi tiếp cận với ứng dụng này, em Nguyễn Hoàng Linh-Trường THCS Nguyễn Du cho rằng: “Theo em, ứng dụng YEA rất hữu ích, chúng em có thể sử dụng dễ dàng ứng dụng này để báo cáo chính quyền địa phương về những trường hợp, địa điểm mà bản thân chúng em cũng như người đi đường cảm thấy không an toàn hoặc rất không an toàn”.

Đội thi của Trường THPT Pleiku đạt giải nhất khối các trường THPT tại cuộc thi "Thử thách sáng tạo cùng Cung đường biết nói". Ảnh: Minh Phương

Đội thi của Trường THPT Pleiku đạt giải nhất khối các trường THPT tại cuộc thi "Thử thách sáng tạo cùng Cung đường biết nói". Ảnh: Minh Phương

Có mặt tại cuộc thi, ông Siddhartha Jha-Trưởng bộ phận Trí tuệ nhân tạo và Cải tiến kỹ thuật số, Quỹ Botnar (Quỹ thiện nguyện của Thụy Sĩ)-cho biết: Rất ấn tượng với các tiết mục dự thi của các em học sinh tại TP.Pleiku. Ông Siddhartha Jha cho rằng, dự án đang cố gắng nói lên tiếng nói của tuổi trẻ, truyền đạt những thông điệp mang tính sáng tạo và thu hút các em học sinh. “Chúng tôi mong muốn hình thức sáng tạo như thế này để thu hút giới trẻ, giúp các em nói lên tiếng nói của chính mình về các vấn đề quan trọng không chỉ về ATGT mà còn là những vấn đề khác liên quan của thành phố. Ngoài ra, dự án còn tạo ra ứng dụng để tuổi trẻ đóng góp ý kiến của các em về lĩnh vực ATGT, kết nối tuổi trẻ với những người hoạch định chính sách nhằm cải thiện môi trường giao thông an toàn cho học sinh”-ông Siddhartha Jha nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm