Tuổi trẻ và những cung đường biết nói

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gia Lai là 1 trong 3 tỉnh, thành trên cả nước được chọn triển khai Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói” do Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) cùng một số đối tác thực hiện. Dự án nhằm nâng cao năng lực cho thanh-thiếu niên trong việc xác định và thông tin về tình trạng rủi ro, thiếu an toàn của cơ sở hạ tầng đường bộ đến cơ quan chức năng thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2021 đến 2024. Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh-đánh giá: Dự án nhằm nâng cao năng lực cho thanh-thiếu niên trong việc chủ động giải quyết các vấn đề giao thông thiếu an toàn với cấp quản lý và chính quyền. Đồng thời, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu hỗ trợ các cơ quan, ban, ngành lựa chọn giải pháp cải thiện cơ sở hạ tầng phù hợp, hiệu quả và ít tốn kém. Ứng dụng này còn hỗ trợ thanh-thiếu niên xác định được các cung đường rủi ro, nguy hiểm quanh khu vực trường học cũng như “điểm đen” về giao thông trên các tuyến đường bộ. Cũng theo ông Hạnh, Dự án được triển khai tại TP. Pleiku trong khoảng thời gian từ tháng 3-2021 đến tháng 3-2024 với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng do Quỹ AIP trực tiếp quản lý, triển khai. Giai đoạn đầu, dự án sẽ áp dụng thí điểm tại 5 trường học, sau đó mở rộng lên 25 trường trên địa bàn.

 Ứng dụng phần mềm tương tác từ Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói”, thanh-thiếu niên có thể phản ánh, đề xuất những bất cập về hạ tầng giao thông đến cơ quan quản lý. Ảnh: Hải Lê
Ứng dụng phần mềm tương tác từ Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói”, thanh-thiếu niên có thể phản ánh, đề xuất những bất cập về hạ tầng giao thông đến cơ quan quản lý. Ảnh: Hải Lê


Theo ước tính của Quỹ AIP, dự kiến sẽ có khoảng trên 79,5 ngàn người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, bao gồm: học sinh, phụ huynh, giáo viên, ban giám hiệu các trường tham gia dự án, cộng đồng địa phương, người sử dụng các cung đường được nâng cấp. Bên cạnh đó, gần 1,25 triệu người khác cũng được hưởng lợi gián tiếp thông qua hoạt động truyền thông trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác.

Tại cuộc họp trực tuyến cập nhật tiến độ dự án mới đây giữa Quỹ AIP và đại diện Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo 3 tỉnh, thành phố, đại diện Quỹ AIP cho biết: Trong những năm gần đây, công nghệ dữ liệu lớn đã được sử dụng để cải thiện an toàn đường bộ bằng cách đưa ra những phân tích mang tính dự báo thông qua việc đánh giá các dữ liệu tồn tại trong thời gian dài nhằm xác định các điểm giao thông nguy hiểm. Bản đồ những “điểm đen” này sẽ giúp các cơ quan chức năng chủ động đưa ra phương án phòng tránh tai nạn có thể xảy ra. Dự án có ý nghĩa mở đường cho việc áp dụng công nghệ phục vụ các vấn đề về sức khỏe cộng đồng.

Bà Mirjam Sidik-Tổng Giám đốc điều hành Quỹ AIP-nhấn mạnh: “Dự án ứng dụng dữ liệu lớn (big data) để hiện thực hóa suy nghĩ, phương thức tiếp cận và giải quyết các vấn đề của giới trẻ trong an toàn đường bộ. Từ đó, truyền cảm hứng cho giới trẻ để trở thành những người hoạt động xã hội, là cầu nối giữa khoa học dữ liệu lớn và sức khỏe cộng đồng”. Còn ông Siddharta Jha-quản lý chương trình về trí tuệ nhân tạo/công nghệ số của Quỹ Botnar tại Thụy Sĩ thì cho biết: Dự án này sẽ giúp minh họa cho những lợi ích tiềm năng và ứng dụng của công nghệ trí tuệ nhân tạo đối với lĩnh vực y tế công cộng, thông qua sự tương tác của thanh-thiếu niên. Khi triển khai dự án tại Việt Nam, chúng tôi hy vọng mang mô hình này tiếp cận với đa dạng nền văn hóa, lãnh thổ, đến với càng nhiều bạn trẻ.

 

 HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm