Kinh tế

Giá cả thị trường

TS Lê Đăng Doanh: Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam dựa quá nhiều vào 'phong bì' để bôi trơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tính đến hết tháng 9 năm 2020, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

Thống kê của WTO, các biện pháp phòng vệ thương mại đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ đô la Mỹ kim ngạch thương mại toàn cầu. Đối với Việt Nam, cùng với quá trình hội nhập ngày sâu, rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng nhanh chóng thì các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của ta cũng tăng cả về số lượng và quy mô.

Tính đến hết tháng 9 năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

Đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất,... Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Úc.


 

Nhiều mặt hàng của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại khi xuất khẩu
Nhiều mặt hàng của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại khi xuất khẩu


Trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng có rất nhiều vấn đề trong câu chuyện phòng vệ thương mại. Trước hết, một số mặt hàng có xuất xứ chưa thỏa mãn được yêu cầu của các quốc gia mong muốn.

Nguyên nhân có thể đến từ việc các nước này nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu đang bị đội lốt Việt Nam nhằm hưởng lợi. Dù cho trong thời gian qua, cơ quan Hải quan đã có rất nhiều động thái kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo hàng xuất khẩu của chúng ta mang đúng nghĩa "Meda in Việt Nam".

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp liên doanh, liên kết, vì lợi ích nhỏ mà chấp nhận "buôn gian, bán lận" sử dụng hàng hóa nước ngoài để mạo danh hàng Việt Nam xuất khẩu. Chính điều này đã làm mất niềm tin đối với lực lượng chức năng các nước nhập khẩu, dẫn đến việc khắt khe hơn trong vấn đề kiểm định chất lượng, xuất xứ hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nền sản xuất của chúng ta vẫn chủ yếu là gia công, hoàn thiện, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc hay các nước khác rất nhiều. Trong khi đó, phần gia công ở Việt Nam có giá trị không cao, đặc biệt đối với những hàng hóa thường xuyên bị kiểm tra trước đó như thép, gỗ, vật liệu xây dựng... nên nhiều đối tác nghi ngờ hàng hóa không đủ tỷ lệ nội địa hóa 30%.

Mặt khác, xuất khẩu tăng sẽ kéo theo nhập khẩu nguyên liệu tăng, do nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất đều nhập về từ Trung Quốc. Dù cho Chính phủ đã có các phương án để hạn chế việc này, mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, đó là định hướng đường dài, không thể có nguyên liệu ngay trong một sớm một chiều được.

"Vì vậy, Việt Nam sẽ phải đối diện với câu chuyện tổn thất do phòng vệ thương mại. Một phần, đến từ chế tài chưa đủ mạnh, đủ răn đe để xử lý những trường hợp bất chấp vì lợi, như câu chuyện nhiều lần lực lượng hải quan trong quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều container chở những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc về nhưng đã dán sẵn Made in Việt Nam để đưa xuất khẩu", ông Thịnh nhấn mạnh.

 

 Hàng hóa Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại không hẳn nguyên nhân đến từ câu chuyện xuất xứ
Hàng hóa Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại không hẳn nguyên nhân đến từ câu chuyện xuất xứ


Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại không hẳn nguyên nhân đến từ câu chuyện xuất xứ.

Theo TS Lê Đăng Doanh, tại những nước như Mỹ, EU bao giờ cũng xuất phát từ thực chứng, tức là phải có chứng minh lô hàng đó có vấn đề. Trong khi đó, ngành sản xuất của Việt Nam nhỏ, dựa quá nhiều vào "phong bì" để bôi trơn nên vượt qua được các khâu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý.

Đến khi hàng hóa cập bến nước bạn, từ những cơ chế khác nhau, phát hiện ra lô hàng có vấn đề sẽ tiến hành điều tra, xác minh, xử lý, dẫn đến số lượng các vụ việc gia tăng.

"Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu được là điều rất đáng mừng, vấn đề cần nhất bây giờ Chính phủ cần tái cơ cấu và chấn chỉnh để đáp ứng được các tiêu chuẩn của các nước đối tác. Nguyên nhân chính vẫn là do cơ chế còn nhiều lỗ hổng, hàng hóa sản xuất chất lượng không đáp ứng, chứ không phải là câu chuyện nhập nhiều hàng của nước khác dẫn đến số lượng điều tra phòng vệ thương mại tăng cao", ông Doanh chia sẻ.

https://danviet.vn/ts-le-dang-doanh-hang-hoa-xuat-khau-viet-nam-dua-qua-nhieu-vao-phong-bi-de-boi-tron-20201017103409659.htm

Theo QUANG DÂN (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm