Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

TS Nguyễn Đình Quyền: Lợi ích nhóm "cài đủ các loại, rất kín"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nói về vấn đề liên quan đến ban hành văn bản quy phạm pháp luật, TS Nguyễn Đình Quyền, ĐBQH khóa XIII, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho rằng: Lợi ích nhóm được “cài đủ các loại, rất kín” và chỉ chuyên gia pháp luật mới phát hiện được.
 
TS Nguyễn Đình Quyền phát biểu (ảnh Kỳ Anh).
Ngày 19/2, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Liên quan đến trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chính vì thế dự thảo luật đang đưa ra 2 phương án. Theo đó, phương án 1 do Chính phủ trình là giao cơ quan trình dự án chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cơ quan thẩm tra có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
Phương án 2, cơ bản giữ như hiện hành, theo đó quy định cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sau khi được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Phát biểu góp ý, TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án 2. Theo TS Quyền, Quốc hội phải nắm trọn quyền lập pháp. Quyền này bao gồm: quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, phân công soạn thảo, phân công thẩm tra cho ý kiến dự án luật, tiếp thu chỉnh lý dự án luật…
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp còn đề nghị, dự án luật cần quy định rõ MTTQ chủ trì thực hiện phản biện trong hoạch định chính sách, pháp luật.
Theo ông Quyền, cần xem quy trình này là “bắt buộc” để cụ thể hoá chức năng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định.
“Phản biện quan trọng nhất của MTTQ là phản biện chính sách, pháp luật, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Bộ Tư pháp thẩm định rồi, các Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra rồi vẫn để lọt lợi ích nhóm hay có những văn bản ban hành như ở trên trời”, TS Quyền nói.
Ông cũng lưu ý thêm, vấn đề lợi ích nhóm được “cài đủ các loại, rất kín” và chỉ chuyên gia pháp luật mới phát hiện được. “Lợi ích nhóm cài kín lắm, không có sự phát hiện, bóc tách thì chết dân”, TS Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn.
Đồng quan điểm với TS Quyền, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, cho rằng dự thảo luật này cần quy định, tất cả các dự thảo trước khi trình ra Quốc hội phải có ý kiến của MTTQ.
“Phải có ý kiến của MTTQ, còn tiếp thu hay không là chuyện khác”, GS.TS Dung nói.
Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, Luật hiện hành không có bất cứ quy định nào về thẩm quyền và trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Còn quy định bảo đảm cho việc tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam thì dừng ở mức nguyên tắc như “tạo điều kiện” nhưng không rõ “tạo điều kiện” như thế nào. Trong khi đó, lại quy định cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được đề nghị tham gia góp ý phải “chịu trách nhiệm về nội dung và thời hạn tham gia góp ý kiến".
Lương Kết (Dân Việt)
http://danviet.vn/tin-tuc/ts-nguyen-dinh-quyen-loi-ich-nhom-cai-du-cac-loai-rat-kin-1060375.html

Có thể bạn quan tâm