Kinh tế

Nông nghiệp

Từ câu chuyện của một người nông dân truyền cảm hứng trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rừng đặc dụng hay rừng trồng chỉ có thể giữ được khi có những giải pháp ổn định kinh tế cho người dân sống trong khu vực có rừng. Vì thế theo các chuyên gia, phải nói cho dân hay cái lợi của việc trồng rừng.

Trồng rừng, phủ xanh rừng trọc cũng là cách làm kinh tế khi người dân nhận được tiền từ dịch vụ môi trường rừng - Ảnh: Ng.Ng
Trồng rừng, phủ xanh rừng trọc cũng là cách làm kinh tế khi người dân nhận được tiền từ dịch vụ môi trường rừng - Ảnh: Ng.Ng


25 năm âm thầm trồng rừng

Một bài báo trên tạp chí của Indonesia hồi tháng 3.2021 kể về một người nông dân sống bằng nghề chăn nuôi, tự bỏ tiền túi ra để trồng hơn 11.000 cây xanh cho làng, nơi ông sinh sống. Vì hành động này mà nhiều người trong làng gắn cho ông biệt danh “kẻ điên” cho đến khi ông Sadiman - tên người đàn ông - được phong như anh hùng sau khi khu đồi trọc ông trồng đã được phủ xanh, tạo nguồn nước dồi dào, nhà nông từ việc chỉ có thể trồng trọt mỗi năm 1 vụ, nay canh tác đến 2-3 vụ. Công việc âm thầm lặng lẽ của người nông dân này đã kéo dài 25 năm qua. Bài báo kết luận, ông Sadiman là người đầu tiên nhận ra sự thiếu thốn của thực vật quanh làng khiến gió lùa và hiếm nước ngọt, thấy những ngọn đồi trơ trọi vì nạn phá rừng, cháy rừng, dân làng sống dưới bầu trời nắng gắt, thiếu nước nghiêm trọng… Thế rồi ông quyết định trồng cây phủ xanh đồi trọc của làng. Năm 2016, người nông dân này đã nhận được giải thưởng cao nhất của Chính phủ Indonesia dành cho công dân đóng góp lớn trong bảo vệ môi trường và giải cống hiến cho cộng đồng và đất nước Indonesia có tên gọi Kick Andy Heroes.

Một vài số liệu cho thấy, diện tích rừng Indonesia chiếm khoảng 2% độ che phủ rừng thế giới (gần 92 triệu ha). Quốc gia này thường được nhắc đến với nạn phá rừng để sản xuất dầu cọ và khai thác gỗ xuất khẩu. Thế nhưng, đến năm 2020, nạn phá rừng gần như được kìm hãm. Cuối tháng 5.2020, chính Bộ trưởng Môi trường và lâm nghiệp Indonesia tuyên bố, nạn phá rừng trên thế giới đã giảm gần 40% và Indonesia có đóng góp đáng kể vào mức giảm này. Tỷ lệ phá rừng hằng năm ở Indonesia là hơn 3,5 triệu ha trong giai đoạn 1996 - 2000 nay đã giảm còn 0,44 triệu ha và sẽ tiếp tục giảm trong tương lai.

Chuyên gia trong Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên nhận xét, câu chuyện của ông Sadiman tại Indonesia thực sự truyền cảm hứng không chỉ tại “xứ sở vạn đảo” mà trở thành một định nghĩa giản dị cho việc biến đổi cái không thành có, biến đồi trọc thành rừng xanh xum xuê, tạo nên phong trào trồng cây gây rừng, mang lại màu xanh cho nhiều địa phương trên toàn cầu.

Việt Nam trước thách thức tăng trưởng rừng bền vững

Tại Việt Nam, loạt cơn bão mạnh đổ bộ vào đất liền hồi cuối năm ngoái đã gây ra những trận lũ lụt, sạt lở kinh hoàng khiến gần 200 người chết và tổng thiệt hại gần 35.000 tỉ đồng. Đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng chính thức phê duyệt Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đặt mục tiêu trồng phân tán 690 triệu cây ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.

Báo cáo khái quát thực trạng ngành lâm nghiệp; đề xuất một số nghiên cứu đầu vào xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) mới đây có nhận xét, một số khó khăn vướng mắc đối với ngành lâm nghiệp nói chung của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng chưa bền vững. Cụ thể, diện tích rừng trong thời gian qua tuy có tăng, song năng suất, chất lượng rừng chưa xứng với tiềm năng. Đặc biệt, báo cáo chỉ ra việc bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép còn diễn ra phức tạp, cần thiết phải bảo vệ và phát triển rừng.

Thách thức lớn nhất cho chiến lược trồng rừng và bảo vệ rừng của Việt Nam hiện nay theo một số chuyên gia đánh giá là khai thác rừng còn diễn ra phức tạp do ý thức của người dân không đồng đều. Nạn làm kinh tế bằng chặt phá rừng “hồn nhiên” vẫn diễn ra thường xuyên.

Theo Báo cáo chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam 2020, tại khu vực trung du miền núi phía bắc sẽ củng cố rừng phòng hộ đầu nguồn phục vụ thủy điện, giảm dần và thay thế canh tác nương rẫy bằng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ gắn với quy mô nhỏ. Khu vực miền Trung tập trung củng cố rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển chống cát bay, chống sóng và xói lở bờ biển và phát triển công nghiệp chế biến. Riêng vùng duyên hải Nam Trung bộ, việc trồng rừng một mặt giúp cải tạo nguồn nước và chống khô hạn, mặt khác giúp có nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu tập trung. Còn vùng Tây nguyên áp dụng phương pháp vừa quản lý tốt rừng tự nhiên, vừa hình thành những khu rừng sản xuất cung cấp gỗ lớn. Vùng Đông Nam bộ củng cố bảo vệ rừng phòng hộ, phòng hộ môi trường cho khu công nghiệp, thành phố lớn…

 

Lễ phát động trồng 5 triệu cây xanh tại Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025 do Tập đoàn Novaland tài trợ
Lễ phát động trồng 5 triệu cây xanh tại Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025 do Tập đoàn Novaland tài trợ



Bộ NN-PTNT đưa ra mục tiêu trong giai đoạn tới (2021 - 2025) là tiếp tục xã hội hóa ngành lâm nghiệp nhằm huy động tối đa đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn miền núi và góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh. Như vậy, làm thế nào để việc bảo vệ, trồng rừng thực hiện đồng bộ được 3 trụ cột kinh tế - môi trường - xã hội? Yếu tố xã hội hóa, huy động nguồn lực trong dân để trồng rừng được nhiều nơi áp dụng. Riêng tại các vùng Nam Trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ, mới đây, Tập đoàn Novaland đã khởi động chương trình tên gọi “Green Up Việt Nam - Triệu cây xanh cho cuộc sống bừng sáng”, tài trợ cho các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu để trồng và chăm sóc bảo vệ rừng. Trước mắt gói tài trợ 11 tỉ đồng cho kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh tại Lâm Đồng đã bắt đầu triển khai.

Các mô hình trồng rừng cần hướng tới chất lượng

Có thâm niên gần 30 năm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng, ông Ngô Văn Hạnh, Trưởng phòng quản lý và bảo vệ rừng - Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên lâm nghiệp Nam Hòa, chia sẻ việc bảo vệ rừng tư nhiên và trồng rừng mới, phủ xanh đều có giá trị quan trọng như nhau. Trồng rừng với mục tiêu góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu như chương trình 1 tỉ cây xanh đề ra là rất quan trọng.

Ngoài công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên có hiệu quả cao nhất, việc trồng rừng che phủ được đất rừng là điều quan trọng không kém. Điều đơn giản nhất là trồng rừng sẽ được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ các nhà máy thủy điện, cung cấp đủ nước cho thủy điện. Ông Hạnh nói: “Phải nói cho dân hiểu ngay cái lợi trước mắt trong trồng rừng, để họ hiểu nếu trồng và bảo vệ rừng tốt, sẽ có hiệu quả trước mắt là được hưởng tiền từ dịch vụ môi trường rừng. Nó tạo mặt kinh tế hay sinh kế cho người dân, còn tác động đến việc quản lý lâm nghiệp tại địa phương theo hướng xã hội hóa, tăng cường sự tham gia của nhiều bên theo cơ chế đảm bảo chi trả dựa trên kết quả bảo vệ rừng”.

Tuy nhiên, vị này cũng cảnh báo, phủ xanh đất trống đồi trọc cũng quan trọng như việc tỉa thưa có khoa học. “Các mô hình trồng rừng hiện tại cần hướng tới chất lượng rừng thế nào. Nhiều địa phương trong thời gian qua do áp lực phát triển, phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nên hiệu quả bảo vệ rừng chưa tốt. Việc kêu gọi các nhà đầu tư trồng rừng nên nỗ lực trồng rừng theo hướng hỗn hợp, đa mục đích, tăng lượng cây bản địa, tức các loại cây hợp với thổ nhưỡng vùng rừng đó trước đây, nhưng do nạn chặt phá rừng bừa bãi, đã giảm sút mạnh. Cần bổ sung lượng cây trồng bản địa này”, ông Hạnh nhấn mạnh và bổ sung, Công ty Nam Hòa đang quản lý trên 15.000 ha rừng tự nhiên, diện tích khá rộng, Công ty bố trí nhiều trạm quản lý bảo vệ rừng, việc tổ chức tuần tra được triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, không thể thực hiện việc kiểm tra hết toàn bộ diện tích đang quản lý, cần có một số giải pháp để quản lý hiệu quả, đó là bố trí các điểm, trạm chốt chặn tại cửa ngõ rừng phù hợp từ đường bộ đến đường thủy. Việc này có hiệu quả rất cao trong ngăn chặn người vào rừng vi phạm lâm luật. Thứ hai, tổ chức tuần tra rừng nhắm đến các điểm nóng qua hình ảnh vệ tinh và có thể hiệu chỉnh thay đổi vị trí trong quá trình tuần tra. Ngoài ra, cần có mối quan hệ mật thiết giữa các chủ rừng lân cận để thông tin qua lại và tổ chức phối hợp tuần tra truy quét rừng có hiệu quả.

Theo Nguyên Nga (TNO)

Có thể bạn quan tâm