Ví như trên đường nhìn thấy cái tẩu hút thuốc đánh rơi, biết đích xác của người nào đó thì lượm về đưa trả cho họ, không biết của ai thì để mặc trời đất. Đi vào rừng phát hiện tổ ong thì xí phần bằng cái gậy chứng, là cái que gỗ có một thanh ngang trên đầu. Người đến sau sẽ biết tổ ong rừng ấy đã có chủ. Đi đơm đó bắt cá hoặc cài bẫy thú, chỉ cần cắm cái gậy chứng bên cạnh, người khác có thấy nhiều cá, thấy chim thú mắc bẫy cũng không được lượm, không được bắt. Họ coi gậy chứng như sự khẳng định quyền sở hữu định đoạt của người chủ nào đó, nó đã được Yàng làm chứng.
Khi có tranh chấp kiện tụng, gậy chứng là cơ sở rất quan trọng để xác định quyền sở hữu, khẳng định sự xâm hại và căn cứ để đưa ra hình phạt nặng nề đối với kẻ gian dối. Cũng chính vì thế mà nền nếp làng xưa trở nên trong lành trung thực, chẳng ai trộm cắp xâm hại của ai.
Camera và gậy chứng có vai trò như nhau, nó làm cho xã hội tốt đẹp thật thà, lòng tham bị kìm nén và tuyệt diệt. Ảnh minh họa |
Hồi nhỏ, tôi nghe kể rằng: Ở miền Tây Nghệ An, những người dân tộc thiểu số có tục thờ ma xó. Hễ ai vào nhà khi chủ đi vắng, không làm gì thì thôi; hễ nhặt nhạnh trộm cắp vật dụng gì đều bị ma xó nhắc. Lượm 1 cái, nó nhắc “1”; lượm 2 cái nó nhắc “2”, như cách có ai đang đếm! Việc này khiến người ta phát hoảng mà vứt đồ bỏ chạy. Nhờ ma xó canh nhà mà cửa ngõ người Mường, Thổ, Thái vùng mạn ngược chẳng phải khóa chốt gì mà quanh năm chẳng hề mất mát, dù là thứ nhỏ nhặt nhất.
Vùng nông thôn mà người Kinh sinh sống ngày xưa cũng ít khi “cửa đóng then cài”, nếu có khóa thì người ta cũng bảo “khóa người ngay”! Nghĩa là khóa lấy lệ. Dân gian thì cho rằng đã có “ông bình vôi” trông giữ. Thuở ấy, người Việt nhà nào cũng ăn trầu, trong nhà luôn có một ông bình vôi. Đó là một cái bình bằng sành sứ, có quai xách, có một cái miệng để quệt vôi ăn trầu. Miệng bình vôi luôn lem luốc những vệt vôi. Ở đó thường trực 1 chiếc que tre đầu dẹp đầu nhọn gọi là cái chìa vôi, cắm vào để lấy vôi quệt vào lá trầu, rồi dùng đầu nhọn têm thành miếng mà mời nhau, mà ăn… Hồi nhỏ, mỗi lần nhìn thấy cái miệng ông bình vôi tơ hơ như vậy, nghĩ là mất vệ sinh, tôi liền tìm cái nắp sắt tây đậy lại, lập tức được bà nhắc nhở: Đừng bịt miệng ông bình vôi lại, để ông canh nhà! Lời bà làm tôi nhớ mãi!
Gần đây, tôi sang Đài Loan sống cùng con trong 6 tháng. Đi khắp đó đây, thấy trên đường phố, các loại xe máy từ loại thường đến loại tốt dựng khắp vỉa hè, chẳng ai trông giữ, mà cũng không hề xảy ra mất mát. Xe máy để cả đêm lẫn ngày, nhiều ngày tháng như vậy, như là bị lãng quên, như là xe vô chủ. Khi cần thì họ mới cắm chìa khóa vào và chạy. Các cửa hàng tiện lợi, có những cái lồng hình khối chữ nhật, để sát vỉa hè, trên đó dày đặc các loại dù che nắng mưa. Ai vào mua hàng đều cắm cái dù của mình vào đó, mua xong lại tìm đúng dù của mình mà mang đi.
Ở chung cư, đi làm, đi chơi cuối tuần, chẳng nhà ai khóa cửa mà không hề xảy ra sự đột nhập trộm cắp gây mất mát gì. Trên công viên thi thoảng thấy người ta để lại những cái xe đẩy, trên đó có túi xách đựng đồ, có áo khoác vật dụng, để cả ngày, đến chiều muộn mới ra lấy về. Nhiều thứ vô tình bị đánh rơi, cuối buổi cứ theo lộ trình cũ mà lượm lại, chẳng ai lấy hoặc sẽ có người đem để lên chỗ cao ráo sạch sẽ cho.
Có lần, tôi dẫn đứa cháu nội mới tập đi ra khu vui chơi trẻ con ở công viên; cu cháu nhặt được 1 đồng tiền xu 50 quan giơ lên đưa cho ông. Tiền Đài Loan, mệnh giá tiền giấy nhỏ nhất là 100 quan, dưới mức đó là toàn bộ tiền xu. Lúc ấy, có vài người phụ nữ cùng đưa con nhỏ chơi trò ở đó nên tôi cầm lấy đồng xu đưa lên trước mặt mấy người lớn, ý hỏi có phải tiền của họ không thì trả lại; mấy người lặng im lắc đầu. Tình thế đó buộc tôi phải cất đồng tiền xu nhặt được vào túi, lòng cảm thấy bình thường, chẳng chút áy náy gì trước việc làm khá minh bạch.
Về nhà, nói với con rằng thằng cháu nhặt được tiền ở công viên. Các con tôi bảo, từ nay, ra nơi công cộng hễ thấy cái gì rơi ba đừng nhặt. Tôi hỏi vì sao, con đáp, ngộ nhỡ có camera hoặc ai chụp hình gửi cho cảnh sát thì rất rầy rà. Rồi con giải thích, ba phải lên Cảnh sát, phải tường trình sự việc và vất vả hơn nữa là phải tìm cho được người rơi đồ để trả lại.
Nghe con nói, tôi chợt nghĩ, phải chăng điều này khá giống với cuộc sống của người Tây Nguyên thuở nào. Cái camera cũng giống như gậy chứng của người Tây Nguyên, như ma xó của người Mường, người Thổ, như ông bình vôi của người Kinh! Và hóa ra, văn minh nó phát triển theo một vòng tròn. Camera và gậy chứng có vai trò như nhau, nó làm cho xã hội tốt đẹp thật thà, lòng tham bị kìm nén và tuyệt diệt.