Những học sinh (HS) khác, khi gặp bài toán khó, có thể chạy đến nhờ cha mẹ giảng giải. Khi chưa hiểu bài trên lớp, các em có thầy cô kèm cặp, có lớp học thêm, có sách tham khảo mới tinh để tìm lời giải. Nhưng tôi thì không. Tôi chỉ có một cuốn sách cũ, vài trang vở chép lại từ hôm trước, và một câu hỏi cứ vang lên trong đầu: Nếu không ai dạy mình, mình sẽ học bằng cách nào?
Giờ đây, khi Thông tư 29/2024 có hiệu lực, việc dạy thêm, học thêm được quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Lâu nay, nhiều người đã coi dạy thêm là một phần tất yếu của hệ thống giáo dục, một biện pháp giúp HS, đặc biệt HS tiểu học, được lấp đầy những khoảng trống mà trường lớp chưa thể bù đắp. Nhưng hiện nay, với Thông tư 29, điều này được siết lại, câu hỏi đặt ra là các em HS đã có khả năng tự học hay chưa? Và chúng ta đã chuẩn bị cho học sinh khả năng tự học thế nào?
Nhìn lại hành trình của mình, tôi nhận ra rằng, dù xuất phát điểm của mỗi người có thể khác nhau, nhưng sự thành công không nằm ở việc có bao nhiêu người hướng dẫn, mà ở chính khả năng tự học và tự thích nghi. Những năm qua, tôi đã có cơ hội làm việc với nhiều nhà giáo dục trên thế giới, tham gia các chương trình phát triển lãnh đạo toàn cầu... Những kinh nghiệm này giúp tôi hiểu rằng, một nền giáo dục thực sự hiệu quả không chỉ nằm ở việc truyền đạt kiến thức, mà quan trọng hơn, nó sẽ giúp HS học được tinh thần tự học, tư duy phản biện và khả năng thích nghi trong mọi hoàn cảnh.
Nhiều năm qua, nền giáo dục của chúng ta có vẻ như vẫn vận hành theo mô hình truyền thụ một chiều, nơi giáo viên đóng vai trò trung tâm, truyền đạt kiến thức, còn HS tiếp thu và làm theo hướng dẫn. Lớp học thêm trở thành phần mở rộng của quá trình đó, nơi các em được nhắc nhở, được giảng giải lại những điều chưa hiểu, được rèn luyện kỹ năng làm bài. Sự quen thuộc này đã tạo nên một tư duy học tập bị động, nơi mà trách nhiệm học không hoàn toàn thuộc về HS, mà phụ thuộc vào người dạy.
Nhưng khi hệ thống dạy thêm bị siết lại, ranh giới giữa HS chủ động và thụ động sẽ ngày càng rõ rệt. Những em đã quen với việc có ai đó nhắc nhở, kèm học sẽ cảm thấy hoang mang khi không còn người hướng dẫn. Ngược lại, những HS biết cách tự học, biết cách tìm kiếm tài liệu, tự đặt câu hỏi và tự rút ra bài học sẽ tiếp tục tiến lên mà không cần đến một hệ thống bổ trợ.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà internet đã mở ra cánh cửa tri thức cho tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng biết cách bước qua cánh cửa đó. HS có thể tiếp cận vô số bài giảng miễn phí, tài liệu tham khảo từ khắp nơi trên thế giới, nhưng nếu không biết cách chọn lọc, không biết cách đặt câu hỏi và đánh giá thông tin, thì tri thức ấy vẫn nằm ngoài tầm với.
Siết dạy thêm, học thêm có thể là một bước ngoặt, nhưng việc nó trở thành cơ hội hay rào cản hoàn toàn phụ thuộc vào cách mỗi HS tiếp cận với việc học của mình. Một cánh cửa cũ đã khép lại, nhưng một cánh cửa khác sẽ mở ra. Câu hỏi đặt ra là: Bạn có sẵn sàng bước qua cánh cửa ấy, hay vẫn chờ ai đó đến dẫn đường?
Theo TNO