Dự án Tổ hợp bô xit - Nhôm Lâm Đồng và Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ ở Tây Nguyên đang lãi khủng nhờ giá bán lên cao. Hai dự án này do Nhà thầu Chalieco Trung Quốc thực hiện.
Giá tăng, lãi sớm và khủng
Bộ Công Thương vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể việc đầu tư thí điểm hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ ở Tây Nguyên.
Dự án Tổ hợp bô xit - Nhôm Lâm Đồng (Dự án Tân Rai) có vốn đầu tư sau 3 lần điều chỉnh đã tăng từ hơn 7.700 tỷ lên trên 15.400 tỷ đồng.
Sau 5 năm đi vào vận hành sản xuất (tháng 10/2013 đến hết năm 2018), 3 năm đầu dự án bị lỗ. Từ năm 2017 dự án bắt đầu có lãi với số lãi ngày càng tăng mạnh. Nếu như năm 2017, số lãi chỉ mới là 379 tỷ đồng thì đến năm 2018, dự án đã lãi gần 1.800 tỷ đồng sau thuế.
Tính đến 31/12/2018, dự án còn lỗ 1.325 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là số lỗ do chênh lệch tỷ giá (1.162 tỷ đồng).
Một số chỉ tiêu kinh tế tài chính của dự án Tân Rai. |
Nguyên nhân lỗ của 3 năm đầu dự án này là giá bán alumin giảm sâu. Năm 2016, giá alumin còn 254 USD/tấn, giảm 24% so với tính toán. Ngoài ra, do dây chuyền chưa ổn định khi mới vận hành. Nhưng đến 2017, giá alumin thế giới tăng trở lại, đạt 334 USD/tấn.
Dự kiến đến hết năm 2019, dự án hết lỗ và chuyển sang có lãi ròng. Thời gian hoàn vốn là 10 năm, sớm hơn so với dự án đã phê duyệt năm 2013.
Tính đến hết năm 2018, dự án Tân Rai đã nộp ngân sách hơn 2.700 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (dự án Nhân Cơ) có tổng vốn đầu tư ban đầu là 3.300 tỷ, sau tăng lên 16.800 tỷ đồng.
Ngay năm đầu tiên đi vào sản xuất (năm 2017), Nhà máy alumin Nhân Cơ đã có lãi ngay 35 tỷ đồng. Năm 2018, dự án có lãi hơn 472 tỷ đồng sau thuế.
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, dự án đã thực hiện trích khấu hao nhanh, cao hơn theo định mức khấu hao thông thường, để thu hồi vốn nhanh. Nếu trích khấu hao theo quy định thì dự án còn lãi cao hơn. Thời gian thu hồi vốn giảm còn 9 năm, sớm hơn so với dự án phê duyệt năm 2014.
Dự án Nhân Cơ đã nộp ngân sách hơn 1.700 tỷ đồng.
Dự án Nhân Cơ có số năm bị lỗ là 0, có lãi ngay sau khi hoạt động. |
Vẫn cảnh báo vấn đề môi trường
Ở dự án Tân Rai và Dự án Nhân Cơ, công nghệ thải bùn đỏ vẫn là thải ướt. Hiện các nhà máy alumin trên thế giới dần từ bỏ công nghệ này để chuyển dần sang thải khô bùn đỏ. Theo Hội đồng giám sát và đánh giá kết quả chuyển giao và ứng dụng công nghệ, công nghệ thải ướt bộc lộ một số nhược điểm, cần tiếp tục nghiên cứu chuyển sang phương pháp thải khô hợp lý hơn.
Đáng chú ý, dự án Tân Rai đi vào hoạt động từ 10/2013 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Sau 9 năm triển khai các thiết bị ở nhà máy alumin và thiết bị tại một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp, khả năng tuổi thọ của các thiết bị này không được như mong muốn.
Các khoang của hồ bùn đỏ, mặc dù đã đưa vào vận hành, nhưng bùn thải chưa đạt yêu cầu về tỷ lệ rắn/lỏng theo thiết kế. “Cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và quan tâm đến lượng nước dư trong hồ bùn đỏ”, báo cáo lưu ý.
Trong quá trình sản xuất, dự án vẫn còn gặp một số lỗi về kỹ thuật do chất lượng của công trình, công nghệ và để xảy ra sự cố 3 lần nhưng được khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng trong tương lai dự án vẫn tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra, cần được kiểm tra, giám sát và có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Còn dự án Nhân Cơ chưa hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường của dự án.
Nhà thầu Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế tại các dự án bô xít này.
Sau 9 năm triển khai các thiết bị ở nhà máy alumin và thiết bị tại một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp |
Theo Bộ Công Thương, công tác chuẩn bị đầu tư 2 dự án bô xít , sản xuất alumin của chủ đầu tư chưa tốt: lựa chọn quy mô, công suất, công nghệ các dự án,... chưa phù hợp, phải điều chỉnh nhiều lần làm kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư, tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến kế hoạch vốn chung của chủ đầu tư.
Nhà thầu chính Chalieco còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm đối với quặng bô xít gipxit vùng Tây Nguyên Việt Nam, thiếu am hiểu về luật pháp Việt Nam và điều kiện thời tiết ở Tây Nguyên. Do đó, từ khâu thiết kế công nghệ, quy trình vận hành, tổ chức thi công, thiết kế hồ thải bùn đỏ... đến nghiệm thu, quyết toán công trình đều có những vướng mắc, tồn tại.
Công tác an ninh trật tự được đảm bảo, người nước ngoài làm việc tại dự án tuân thủ pháp luật Việt Nam về đi lại, cư trú và chưa phát hiện có hoạt động nghi vấn xâm phạm đến an ninh quốc gia. |
Chẳng hạn, ở dự án Tân Rai, chế độ điều khiển tự động đã được lắp đặt nhưng chưa vận hành liên động tự động được, chủ yếu vận hành bằng tay. Các thiết bị đo lường hoạt động không chính xác, số liệu hiển thị khác nhiều thực tế sản xuất.
Hệ thống thiết bị điều khiển được nhập từ các hãng nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, phần mềm điều khiển do nhà thầu Trung Quốc Chalieco thiết lập mặc dù có cấu hình mạnh nhưng không có kinh nghiệm đối với quặng gipxit Tây Nguyên nên điều khiển không tối ưu hóa được các chu trình vận hành, nhiều chức năng điều khiển phức tạp, chức năng điều khiển tự động, liên động nhà thầu không thực hiện được. Vì vậy, thực tế sản xuất hiện nay các khu vực công nghệ và phụ trợ chưa vận hành liên động tự động được, thường xuyên sử dụng chế độ bằng tay dựa theo kinh nghiệm của công nhân vận hành, làm tăng số công nhân vận hành.
Công ty Nhôm Lâm Đồng đã nghiên cứu thay thế thiết bị Trung Quốc, đảm bảo vận hành tự động và nâng hiệu suất nhà máy. Tuy nhiên, mức độ tự động hóa của nhà máy còn thấp.
Bộ Công Thương còn cho rằng, công nghệ Bayer là công nghệ chủ yếu để sản xuất alumin trên thế giới. Công nghệ Bayer châu Mỹ đã lựa chọn áp dụng cho 2 dự án được đánh giá là phù hợp với loại quặng bô xít gipxit vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, quy trình công nghệ và một số thiết bị công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc chưa phải là tối ưu, cần được tiếp tục nghiên cứu và cải tiến.
Lương Bằng (VIE)