Theo bình chọn tháng 2 của Taste Atlas-website được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới”, cà phê sữa đá Việt Nam đồng hạng với ristretto của Italy ở vị trí đầu bảng của danh sách “10 loại cà phê ngon nhất thế giới”. Điều này gây chút bất ngờ bởi cà phê Việt Nam chủ yếu được pha từ hạt robusta, một loại hạt vốn chưa được xem là cao cấp trong ngành rang xay cà phê.
Theo các chuyên gia, cà phê sữa đá Việt Nam lọt vào vị trí đầu bảng nhờ vào sự cân bằng, hài hòa giữa hạt robusta và sữa đặc. Vị đắng đậm của loại cà phê này khi kết hợp với vị ngọt béo của sữa tạo nên thức uống ấn tượng. Trong khi đó, tuy được đánh giá cao hơn một bậc nhưng hạt arabica lại không thể cho ra ly cà phê ngon nhất thế giới. Lý do là vị chua nhẹ đặc trưng của arabica không phù hợp khi pha với sữa đặc.
Đây rõ ràng là tin vui với Việt Nam, trong đó có Gia Lai. Từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, cây cà phê robusta đã bén rễ và nhanh chóng được xem là “đặc sản” của vùng đất cao nguyên với hàm lượng caffeine vượt trội, hương vị tự nhiên thuần khiết. Nhiều năm tâm huyết trong ngành rang xay cà phê, ông Thái Vinh Thanh-Chủ thương hiệu Cà phê 24 từng đúc rút kinh nghiệm: Robusta được trồng tại nhiều vùng trong cả nước như Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng nhưng khi trồng tại Gia Lai thì hàm lượng caffeine là cao nhất. Một bài viết trên trang web của Công ty cổ phần Cà phê Classic (740 Trường Chinh, TP. Pleiku) cũng khẳng định: Xếp sau một số tỉnh khu vực Tây Nguyên về diện tích trồng cà phê nhưng Gia Lai là vùng đất “mang lại hương vị robusta đặc trưng nhất với sự sôi sục, mạnh mẽ, đầy chất lửa”.
Cà phê sữa đá Việt Nam đứng đầu danh sách 10 loại cà phê ngon nhất thế giới. Ảnh: Phương Duyên |
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng gần 100.000 ha cà phê, chiếm gần 1/7 diện tích cà phê cả nước. Tính đến cuối tháng 10-2022, cà phê Gia Lai đã xuất khẩu gần 220.000 tấn, tương ứng kim ngạch 435 triệu USD (tăng gần 3% về lượng và gần 30% về giá trị), chiếm đến hơn 73% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Năm 2022 cũng là một năm rất thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, năm qua, Việt Nam xuất khẩu được 1,78 triệu tấn cà phê với tổng kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD, là mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây.
Những con số “biết nói” nêu trên cùng với tin cà phê sữa đá Việt Nam lọt top “ngon nhất thế giới” đã cho thấy triển vọng dành cho ngành hàng cà phê. Không cần bỏ tiền ra marketing mà vẫn nhận về sự tôn vinh. Do vậy, đừng để thông tin đáng quý ấy bị trôi đi, quên đi. Cơ hội này cần được tận dụng một cách nhanh nhạy, hiệu quả để phát triển kinh tế, phát triển du lịch khi cà phê đang trở thành thức uống phổ biến trên toàn thế giới.
Tại Gia Lai, với phẩm chất hiếm có của cà phê robusta trồng trên đất đỏ bazan, liệu chúng ta có thể tiến tới quảng bá “ly cà phê ngon nhất Việt Nam”? Đó là lợi thế mà không phải địa phương nào ở Tây Nguyên cũng sở hữu. Tất nhiên, một danh hiệu không thể “sống” được bằng sự hô hào suông mà phải có sự đồng lòng, chung tay của người dân, chính quyền và doanh nghiệp.
Còn nhớ, cách đây hơn chục năm, tại TP. Pleiku từng diễn ra một sự kiện văn hóa thu hút hàng ngàn người tham gia, đó là “Lễ hội cà phê”. Sự kiện lần đầu tiên tổ chức và có sự chung tay góp sức của hầu hết các thương hiệu cà phê nổi tiếng trong tỉnh cùng các quán cà phê lớn, lâu năm. Từ đó đến nay, Gia Lai chưa từng tổ chức chương trình nào tương tự mà chủ yếu chỉ quảng bá sản phẩm cà phê tại một số hội chợ thương mại, ngày hội văn hóa du lịch.
“Cà phê sữa đá Việt Nam ngon nhất thế giới”-tin nóng ấy rồi sẽ nguội nếu không được tiếp tục kích hoạt. Vậy nên, nhân cơ hội này cần nhanh chóng có một kế hoạch thúc đẩy lan tỏa với các giải pháp khả thi và phù hợp, nhằm tiếp tục khẳng định chỗ đứng của một cái tên. Để dù thưởng thức nơi vỉa hè hay trong hàng quán sang trọng thì cà phê Gia Lai, cà phê Việt Nam vẫn thấm đẫm hương vị và giá trị riêng có.