Giáo dục

Tin tức

Tủ sách dùng chung ở Gia Lai: "Điểm tựa" nâng bước em đến trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với phương châm không để học sinh nào thiếu sách giáo khoa (SGK) khi tới lớp, nhiều trường tiểu học trong tỉnh Gia Lai đã xây dựng tủ sách dùng chung. Mô hình này trở thành “điểm tựa” góp phần nâng bước đến trường cho nhiều học sinh nghèo khó.

Em Khoch là 1 trong 6 học sinh của lớp 3/4 tại điểm lẻ làng Wâu được Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, TP. Pleiku) cho mượn SGK trong năm học 2022-2023. Khoch có đến 8 anh chị em, gia đình thuộc hộ cận nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào số tiền làm thuê hàng ngày của cha mẹ. Ông A Yơn (cha Khoch) tâm sự: “Nhà đông con lại túng thiếu, vì vậy, cứ đến năm học mới là vợ chồng tôi lại canh cánh nỗi lo. Những anh chị của Khoch thì có thể xin lại sách cũ nhưng Khoch học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên từ lớp 1 đến giờ, mỗi năm đều phải mua sách mới. Tôi rất mừng vì năm học này Khoch được nhà trường cho mượn SGK để học tập”. Ngồi cạnh bên, Khoch thủ thỉ: “Em rất vui vì có sách mới đến lớp như các bạn. Cha mẹ và thầy cô căn dặn em phải giữ gìn sách cẩn thận, không vẽ bậy vào sách và không được cho ai mượn để tránh làm mất sách”.

 Em Hoàng Trần Ngọc Bích (lớp 5C, Trường Tiểu học Ia Nhin, huyện Chư Păh) tặng sách giáo khoa đã sử dụng cho tủ sách dùng chung của trường. Ảnh: Mộc Trà
Em Hoàng Trần Ngọc Bích (lớp 5C, Trường Tiểu học Ia Nhin, huyện Chư Păh) tặng sách giáo khoa đã sử dụng cho tủ sách dùng chung của trường. Ảnh: Mộc Trà



Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Lê Lai có 21 lớp với 641 học sinh; trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 100%. Gia đình nhiều em khó khăn nên không có điều kiện mua đủ SGK. Do đó, việc xây dựng và duy trì tủ sách dùng chung luôn được nhà trường chú trọng nhằm đảm bảo tất cả học sinh đều có SGK khi tới lớp. Thầy Lê Minh Tùng-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Tủ sách bao gồm sách cũ từ học sinh trong trường và các trường bạn quyên góp; sách mới được chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị và Mạnh Thường Quân trao tặng và một số ít do nhà trường tự mua từ nguồn chi thường xuyên. Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm rà soát danh sách học sinh không có điều kiện mua SGK của lớp để đăng ký mượn sách cho các em; đồng thời, có trách nhiệm hướng dẫn học sinh học tập, bảo quản và trả lại sách vào cuối năm học”.

Tương tự, tủ sách dùng chung cũng là “điểm tựa” của nhiều học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Sró (huyện Kông Chro). Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Pháp thông tin: Nằm ở xã vùng khó với tỷ lệ học sinh dân tộc Bahnar chiếm hơn 84%, những năm qua, nhà trường luôn tìm cách để học sinh có điều kiện học tập tốt nhất có thể, góp phần duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục. Một trong số đó là xây dựng và duy trì hiệu quả tủ sách dùng chung. Bên cạnh sự hỗ trợ của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương, nhà trường còn tích cực kêu gọi các Mạnh Thường Quân tặng sách cho học sinh, chủ yếu là các lớp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, năm học 2022-2023, nhà trường được ngành Giáo dục cấp 68 bộ SGK lớp 3 với các đầu sách: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh và 39 bộ SGK lớp 7 gồm: Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý; Mạnh Thường Quân ở TP. Hồ Chí Minh tặng 110 bộ SGK lớp 3 các môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội; Công an xã hỗ trợ một số sách bộ môn khác… Tất cả đều được nhập vào tủ sách dùng chung tại thư viện, sau đó phân bổ cho học sinh mượn học.

Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Ia Nhin (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) cũng đã triển khai hiệu quả phong trào xã hội hóa giáo dục để xây dựng tủ sách dùng chung. Theo cô Hoàng Thị Thu-Hiệu trưởng nhà trường, cứ đến cuối năm học, nhà trường tuyên truyền, vận động học sinh tặng lại sách đã sử dụng để giúp đỡ các bạn khó khăn. Nhà trường còn chủ động kết nối, tìm nguồn xã hội hóa để bổ sung thêm SGK vào tủ sách dùng chung, quyết tâm không để học sinh nào thiếu SGK khi bước vào năm học mới. “Hiện tủ sách có 171 bộ SGK các khối lớp. Năm học 2022-2023, thư viện trường đã trích ra 107 bộ sách các lớp 1, 2, 3 và 15 bộ sách lớp 4, 5 cho học sinh khó khăn mượn học”-cô Thu thống kê.

 Học sinh lớp 1 của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Sró (huyện Kông Chro) sử dụng sách giáo khoa từ Tủ sách dùng chung để học tập. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh lớp 1 của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Sró (huyện Kông Chro) sử dụng sách giáo khoa từ Tủ sách dùng chung để học tập. Ảnh: Mộc Trà


Không chỉ giúp trò nghèo đảm bảo đồ dùng học tập, tủ sách dùng chung còn góp phần rèn luyện cho học sinh đức tính biết sẻ chia, giúp đỡ người khác và nâng cao ý thức giữ gìn sách vở. Em Hoàng Trần Ngọc Bích (lớp 5C, Trường Tiểu học Ia Nhin) hồ hởi nói: “Sau mỗi năm học, em đều tặng lại toàn bộ SGK cho thư viện nhà trường để đưa vào tủ sách dùng chung tặng bạn nghèo. Em thấy rất vui khi việc làm nhỏ của mình có thể giúp được các bạn khó khăn vươn lên trong học tập”.  

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) nhận định: Mô hình tủ sách dùng chung thực sự ý nghĩa, góp phần đảm bảo 100% học sinh có đủ sách đến trường. Tuy nhiên, khó khăn mà phần lớn các trường gặp phải trong xây dựng mô hình là thiếu kinh phí mua bổ sung sách. Một số đơn vị không đủ điều kiện chỉ có thể mua một số đầu sách cơ bản. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương hỗ trợ ngân sách để mua SGK cấp cho học sinh các trường, nhất là sách theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu từ năm học 2021-2022; đồng thời, kêu gọi các trường vùng thuận lợi tặng sách, truyện, đồ dùng học tập cho học sinh vùng khó.

 

MỘC TRÀ

 

Có thể bạn quan tâm