Xã hội

Từ Tây Nguyên đến Trường Sa: Tưởng xa nhưng lại hóa gần

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sinh ra và lớn lên ở núi rừng Tây Nguyên, tôi đã nghĩ Trường Sa xa lắm.

Từ nhỏ, tôi đã được kể về Quảng Ngãi-quê của ba má tôi-nơi Chúa Nguyễn từ nửa đầu thế kỷ 17 đã tổ chức đội Hoàng Sa ra Bãi Cát Vàng mỗi năm để khai thác kinh tế, đo vẽ sơ đồ, xây dựng hải trình, trồng cây và dựng mốc; nơi người dân tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm để tri ân, cầu an cho thành viên của Hải đội Hoàng Sa. Tôi thầm mong sẽ có ngày được đến Hoàng Sa, Trường Sa, dù vẫn biết nơi ấy xa lắm.

Niềm vui của các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa khi đón đoàn công tác. Ảnh: D.H

Niềm vui của các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa khi đón đoàn công tác. Ảnh: D.H

Thế nên, khi nhận tin được duyệt đi Trường Sa vào tháng 4-2024, những câu chuyện thời thơ ấu năm nào bỗng ùa về. Trước khi lên tàu, từ Hà Nội-nơi tôi đang công tác về vấn đề biển đảo trên mặt trận ngoại giao pháp lý-tôi về Tây Nguyên để báo cho ba má về chuyến đi và mang một ít đất Tây Nguyên trong hành lý của mình ra quần đảo.

Ngày đi cuối cùng đã tới. Hải trình thêm ý nghĩa vì trên tàu có hàng trăm trái tim Việt Nam đến từ 22 quốc gia trên thế giới hội tụ. Những bài hát, những cuộc thi, những câu chuyện, những tấm lòng hướng về biển đảo đã kết nối, giúp chúng tôi gần nhau hơn. Tưởng xa mà lại hóa gần là thế.

Tác giả (giữa) trò chuyện với các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: D.H

Tác giả (giữa) trò chuyện với các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: D.H

Nhiều đêm trên tàu, tôi không ngủ được, phần vì mình vốn ngủ kém, phần vì bồi hồi sắp được đến quần đảo. Sáng sớm tinh mơ ngày thứ ba của hải trình, nhận được tin nhắn từ Viettel “chào mừng quý khách trở lại Việt Nam”, tôi ngồi phắt dậy báo tin cho các anh em cùng phòng. Vậy là tàu đã đến quần đảo Trường Sa. Chưa bao giờ nhận được tin báo tự động từ Viettel mà lòng tôi rộn ràng đến thế.

Những thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa mà tôi vẫn nghiên cứu giờ ở ngay trước mắt. Nhìn ngắm những thực thể này từ trên tàu lúc mặt trời lên, khi mặt trời lặn, và đặt chân lên những thực thể này lúc biển trong xanh nhất, tôi càng tự hào vì vẻ đẹp của đất nước, nhưng trên hết vẫn là niềm xúc động nhìn thấy lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trên quần đảo Trường Sa.

Đến đâu cũng thế, ngoài việc tham gia chương trình làm việc chính thức, trao quà của đoàn và viết vào sổ lưu niệm, tôi đều tranh thủ thời gian trò chuyện với các chiến sĩ. Điều kiện mỗi thực thể có khác nhau, nơi lớn, nơi bé, nơi xanh mướt cây, nơi không bóng mát, nơi thuận lợi, nơi còn khó khăn… nhưng dù ở đâu, tôi vẫn cảm nhận nghị lực, tinh thần vững vàng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của các chiến sĩ, và dù ở đâu, tôi vẫn thấy tình cảm chân thành của quân, dân dành cho đất nước và dành cho nhau.

Đoàn công tác lưu luyến tạm biệt Trường Sa. Ảnh: D.H

Đoàn công tác lưu luyến tạm biệt Trường Sa. Ảnh: D.H

Khi đoàn tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tôi lại càng cảm nhận được tình cảm thiêng liêng ấy. Thả những con hạc giấy trắng và những bông hoa vàng theo dòng biển mênh mông, chúng tôi gửi đến các anh lòng thành kính và biết ơn, nghiêng mình trước công lao và sự hy sinh cao cả của các anh và gia đình các anh.

Tôi để lại đảo một ít đất mang từ Tây Nguyên và nhặt một ít lá bàng vuông rơi trên đảo để gửi về Tây Nguyên tặng ba má. Ba má tôi đều là thương bệnh binh, có người đã để lại một phần cơ thể trên chiến trường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nên không có điều kiện ra thăm Trường Sa nhưng lòng vẫn luôn hướng về biển, đảo.

Từ Tây Nguyên đến Trường Sa, tưởng xa nhưng lại hóa gần là thế.

Có thể bạn quan tâm