Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Tư tưởng lấy dân làm gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước lúc vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Đây là cơ sở phương pháp luận hết sức quan trọng của Tư tưởng Hồ Chí Minh, nó đã nhất quán trong toàn bộ hoạt động của Người từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi phải “từ biệt thế giới này”. Người chỉ “tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Ảnh: Thanh Hải
Ảnh: Thanh Hải

Tiếp thu quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin “Cánh mạng là sự nghiệp của quần chúng” và kế thừa hệ tư tưởng phương Đông “Nước lấy dân làm gốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn ra sức mạnh của con người trong sự cố kết với cộng đồng dân tộc, giai cấp với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Có dân là có tất cả- đã trở thành phương pháp luận trong tư tưởng của Người. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Sự đoàn kết của nhân dân là lực lượng vô địch, dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi. “Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành một bức tượng đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn xảo quyệt đến mức nào đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”.

Những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng từ sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ vai trò to lớn của nhân dân, đồng thời vạch ra 12 điều răn rất cụ thể để giáo dục bộ đội, cán bộ “khi tiếp xúc và chung sống với nhân dân”. Đảng ta tiếp thu tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó khẳng định: Cần thắt chặt hơn nữa quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, chính Đảng cũng từ nhân dân, là một bộ phận tiên tiến của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân thực sự là người chủ, trực tiếp tham gia công việc quản lý đất nước, quản lý xã hội trong giai đoạn mới của cách mạng.

Giờ đây, “Dân làm gốc” phải đồng thời là “Dân làm chủ”. “Gốc biểu hiện cho sự năng động, sáng tạo, cho trí tuệ và tài năng đã được giải phóng, tự do “có thể làm được những kỳ công”. Vì thế “gốc” cần được chăm nom, vun xới, bồi đắp. Nhưng khác xưa, “gốc” ngày nay có khả năng tự xây cho mình bền chặt hơn, vững chắc hơn.

“Dân làm gốc”, “Dân làm chủ”, trong tư tưởng và hành động phải nhất quán, gắn bó hữu cơ. Bước vào công cuộc đổi mới đất nước “Người chủ” chưa thể làm chủ ngay trên tất cả các mặt hoạt động của xã hội, cần phải có người đại diện cho mình để làm chủ. Do đó, bản thân “Người chủ” phải được học làm chủ, trên mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là một quá trình lâu dài. Cho nên, để phát huy vai trò “Dân làm gốc”, “Dân làm chủ” trong điều kiện của đất nước ta, cần thật sự bảo đảm các quyền của “Người chủ”, chứ không phải chỉ trên các văn bản pháp lý hoặc trên lời nói. Người đại diện cơ quan, đại diện cho sự làm chủ của nhân dân phải được tuyển chọn nghiêm ngặt, “có ý thức phục vụ dân”, “làm đầy tớ cho dân”, phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, tự mình “Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”…

Sinh thời, Bác Hồ thường nhắc nhở: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều do dân. Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra bài học: Cánh mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân. Do vậy, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải: “Động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân…”. Bài học mà Người chỉ ra đến nay vẫn còn nóng hổi và mãi mãi định hướng cho chúng ta: Phải lấy dân làm gốc. Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được.

Tô Phương

Có thể bạn quan tâm