Kinh tế

Giá cả thị trường

Từ việc thanh long ùn ứ ở cửa khẩu: Xuất tiểu ngạch "hết đất sống"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù hàng trăm container thanh long xuất khẩu ùn ứ ở Cửa khẩu quốc tế Lào Cai chỉ là hiện tượng nhất thời, do sản lượng tăng đột biến ở một thời điểm khiến việc thông quan bị chậm lại và không liên quan đến thay đổi chính sách nhập khẩu của phía Trung Quốc, nhưng theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT, với sự kiểm tra ngày càng chặt chẽ của Trung Quốc, xuất khẩu tiểu ngạch sẽ “không còn đất sống”.
Sản lượng thanh long tăng đột biến
Mấy ngày qua, thông tin hàng trăm xe container chở thanh long xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc bị ùn ứ ở Cửa khẩu đường bộ Kim Thành (Cửa khẩu quốc tế Lào Cai) khiến không ít người trồng thanh long hoang mang, lo lắng.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên nông sản XK sang Trung Quốc gặp cảnh này, bởi trước đó, đã nhiều lần những hàng xe dưa hấu xếp hàng nối dài chờ được thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn. Sự gia tăng đột biến về sản lượng khi vào chính vụ là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
 
Hiện, việc thu mua, tiêu thụ thanh long Bình Thuận vẫn diễn ra suôn sẻ.  Ảnh: tư liệu

Cục Bảo vệ thực vật đã tổng hợp và được phía Trung Quốc chấp thuận đối với 1.200 mã số vùng trồng cho 8 loại trái cây đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tại 42 tỉnh, thành trên cả nước, cùng 608 mã số cơ sở đóng gói tại 31 tỉnh, thành.


Theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, từ đầu năm 2019 đến nay, việc XK 8 loại quả được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu của Việt Nam diễn ra tương đối thuận lợi, có những mặt hàng đang XK khá tốt.
“Tuy nhiên, do Hải quan Trung Quốc thực hiện các bước kiểm tra chặt chẽ hơn, trong khi hàng thanh long dồn về Cửa khẩu Lào Cai nhiều hơn, nên khi số lượng xe hàng tăng đột biến, cộng với khâu kiểm tra, kiểm soát kỹ càng hơn, hàng phải đủ nhãn mác, đảm bảo tiêu chuẩn mới được thông quan, nên dẫn đến ùn ứ. Chứ về mặt chính sách xuất nhập khẩu giữa hai nước không có vấn đề gì” - ông Dương nói.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận cho biết thêm, cho đến thời điểm này, mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ thanh long vẫn diễn ra bình thường, giá thanh long thu mua tại vườn đạt 9.000 - 10.000 đồng/kg, đảm bảo cho nhà vườn có lãi khá.
“Ngay khi nhận được thông báo của Cục Bảo vệ thực vật về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, chúng tôi đã triển khai cho các địa phương, cơ sở đóng gói đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở. Đến thời điểm này, gần như 100% cơ sở đóng gói, diện tích trồng thanh long của tỉnh đã được cấp mã số để XK sang Trung Quốc” - ông Tấn cho biết thêm.
Tiểu ngạch không còn đất sống
Cũng theo ông Nguyễn Quý Dương, kể từ khi Trung Quốc siết chặt chính sách nhập khẩu nông sản thông qua yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, những sản phẩm chưa được phép XK chính ngạch, từ trước đến nay chỉ xuất tiểu ngạch qua các đường mòn lối mở hầu như không đi được nữa.
“Cho đến thời điểm này, thanh long vẫn là loại trái cây XK chủ lực sang thị trường Trung Quốc, các loại quả khác cũng không gặp nhiều khó khăn trong XK. Đối với quả măng cụt, đối tác Trung Quốc đã đi kiểm tra vùng trồng, cấp mã số. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đang tập trung đàm phán cho khoai lang, dừa, sầu riêng tiếp tục được XK chính ngạch sang thị trường này, trong đó ưu tiên đặc biệt cho sầu riêng, vì diện tích sầu riêng của Việt Nam khá lớn, thị trường Trung Quốc cũng ưa chuộng, nhưng năm nay không xuất sang được, việc tiêu thụ đang phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa” - ông Dương nói.
Ông Dương cho biết, khi Trung Quốc gửi thông báo sẽ kiểm soát nông sản nhập khẩu thông qua mã số vùng trồng từ tháng 5/2018, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi công văn đến tất cả các địa phương, nhưng nhiều nơi chưa nhận thức được vấn đề, còn thờ ơ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, sau khi thấy nhiều mặt hàng không thể xuất sang Trung Quốc, dù thị trường vẫn cần, nhiều địa phương, doanh nghiệp nhận ra, nếu không có mã số vùng trồng thì không thể có cửa sang Trung Quốc, từ đó bắt tay vào đăng ký xây dựng.
Nhận định về thị trường xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm 2019, ông Dương cho rằng: “Thời gian tới, chắc chắn họ sẽ có động thái kiểm tra chặt chẽ hơn, còn hiện tại mọi việc vẫn bình thường. Các doanh nghiệp cũng yên tâm là khi có thay đổi, phía Trung Quốc bao giờ cũng thông báo sớm để chúng ta có thời gian chuẩn bị. Điều các doanh nghiệp, người dân cần làm là đảm bảo sản xuất an toàn, có mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói cũng sớm đăng ký mã số rồi đăng ký với hải quan nước họ theo quy định để đảm bảo việc thông quan thuận lợi” - ông Dương khẳng định.
Ông Đỗ Minh Kính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận:
Phải giữ vững thị trường Trung Quốc
Một chút thay đổi trong hệ thống kiểm tra điện tử phía Hải quan Trung Quốc khiến thanh long ùn ứ ở cửa khẩu, nhưng tôi khẳng định, mọi hoạt động mua bán, tiêu thụ thanh long ở địa phương vẫn diễn ra bình thường.
Cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của thanh long Bình Thuận với 80% sản lượng cung cấp cho thị trường này. Vì vậy, định hướng của tỉnh là phải giữ vững sự ổn định ở thị trường này. Theo đó, ngay khi Trung Quốc thay đổi chính sách kiểm soát nông sản nhập khẩu, chúng tôi đã làm việc với các Thương vụ Việt Nam ở Vân Nam, Quảng Tây để nắm thông tin. Việc thay đổi chính sách này cũng nằm trong cam kết của 2 nước để sản phẩm xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm, loại trừ được dư lượng thuốc trừ sâu, có truy xuất nguồn gốc.
Cơ quan chức năng đã thông báo cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để thay đổi bao bì, mẫu mã, đăng ký vùng trồng. Phần lớn các cơ sở thực hiện rất tốt, chỉ có một số cơ sở nhỏ lẻ chưa đáp ứng được, phải thay đổi để thích nghi, vì đây là một yêu cầu bắt buộc của thị trường, hoặc là đáp ứng, hoặc là dừng lại.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ thanh long ở một số thị trường khác như Ấn Độ.
Ông Trần Anh Tú - Phó Chi Cục Trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu tỉnh Lào Cai:
Rủi ro trong giao dịch thương mại mậu biên
Hiện tất cả container ùn ứ tại cửa khẩu trong tuần qua đã được giải quyết thông quan. Tuy không xảy ra thiệt hại lớn nhưng việc các container thanh long bị ách tắc dấy lên nghi ngại về những rủi ro trong giao dịch thương mại biên mậu Việt Nam – Trung Quốc suốt những năm qua. Thanh long phía Việt Nam xuất khẩu theo diện chính ngạch, còn đối với Trung Quốc, thanh long xếp vào hàng nhập khẩu biên mậu của cư dân biên giới. Nếu để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì còn khó khăn hơn, vì hàng rào kỹ thuật của họ rất khắt khe”.
Thanh Phong - Khánh Nguyên (ghi)
Anh Thơ (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm