Pháp luật

Góc cảnh báo / Chống tin giả

Từ vụ Phan Công Khanh, cảnh báo nhiều chiêu lừa đảo khi mua bán xe ôtô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm tiền cọc, bán xe không đủ giấy tờ pháp lí, lừa khách hàng về tình trạng xe như tua kilomet, đâm đụng, ngập nước… là những thủ đoạn một số đối tượng sử dụng để mua bán ôtô mà người dân khi giao dịch cần nắm rõ.
Showroom K-Super nơi Phan Công Khanh kinh doanh siêu xe trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 1. Ảnh: Anh Tú
Showroom K-Super nơi Phan Công Khanh kinh doanh siêu xe trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 1. Ảnh: Anh Tú

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 4 tháng đối với Phan Công Khanh và Mohamach Da Pha lần lượt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan điều tra, đầu tháng 3.2023, chị H (ngụ Quận 7) tin tưởng Khanh là người nổi tiếng nên nhờ bán giúp siêu xe McLaren giá 10 tỉ đồng, do không có nhu cầu dùng đến. Chiếc xe được mang đến Showroom K. Super của Khanh kí gửi, không để lại giấy tờ.

Cuối tháng 5, Khanh kẹt tiền trả nợ và chuộc chiếc Mercedes G63 (chưa có biển số) đang cầm cố, nên nói chị H đưa giấy tờ chiếc McLaren "để khách mua có thể xem, dễ bán". Nhận giấy chứng nhận đăng kí xe và giấy đăng kiểm của chị H, Khanh đưa cho Pha mang đi thế chấp lấy 2 tỉ đồng.

Chị H nhiều lần đề nghị trả lại xe và giấy tờ nhưng ông chủ showroom lẩn tránh. Sau khi tìm hiểu, chị biết Khanh đã mang xe của mình đi cầm nên tố cáo với công an.

Đây là một trong những vụ lừa đảo liên quan đến siêu xe với số tiền lên tới hàng tỉ đồng, tuy nhiên, thực tế có không ít những vụ lừa đảo với mức độ khác nhau diễn ra trong quá trình mua bán xe ôtô hiện nay.

Ông Lê Thanh Việt - một chủ salon kinh doanh ôtô hơn 10 năm tại Long Biên, Hà Nội cho biết những hành vi lừa lấy tiền cọc với số tiền từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng vẫn diễn ra và nhiều người có thể mắc bẫy.

Theo ông Việt, các đối tượng lừa đảo thường đăng tải và chào bán một chiếc xe có mức giá thấp hơn so với giá thị trường, khi liên hệ thì đối tượng sẽ nói đang ở xa và chiếc xe hiện đang có rất nhiều người quan tâm, sau đó yêu cầu người mua xuống tiền cọc vài triệu đồng để "làm tin", không bán cho người khác. Khi người mua đã chuyển khoản và tới địa điểm hẹn gặp thì không thể liên lạc với người bán, mới tá hỏa biết đã bị lừa.

"Đây không phải là một chiêu thức lừa đảo quá mới nhưng vẫn có những người chưa có nhiều kinh nghiệm dễ mắc bẫy"- ông Việt cho hay.

Người tiêu dùng nên chọn mua xe ôtô ở các salon uy tín để tránh gặp các chiêu trò lừa đảo. Ảnh: Lâm Anh
Người tiêu dùng nên chọn mua xe ôtô ở các salon uy tín để tránh gặp các chiêu trò lừa đảo. Ảnh: Lâm Anh

Ông Hoàng Dương - chủ salon kinh doanh ôtô đã qua sử dụng tại TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trước đây trên thị trường ôtô cũ đã xuất hiện các chiêu thức gian dối về tình trạng xe khi giao dịch như tua kilomet, xe bị thủy kích hay ngập nước…

Song hiện nay, cũng xuất hiện những trường hợp khác như lừa mua xe vẫn đang thế chấp ngân hàng, giả mất đăng kí xe rồi xin cấp lại để bán cho nhiều người. Nếu không tỉnh táo, người mua hoàn toàn có thể sập bẫy, thậm chí là chủ salon.

Để tránh bị lừa khi mua ôtô, theo ông Dương, khách hàng nên đến tận nơi khi mua bán xe để thực hiện các giao dịch đặt cọc, trả tiền. Sau khi chuyển tiền xong, khách hàng phải yêu cầu showroom cung cấp các giấy tờ chứng minh việc đã đặt cọc, chuyển tiền.

Khi tiến hành mua bán xe, cần kiểm tra chiếc xe có đầy đủ giấy tờ hợp pháp hay không, tìm hiểu nguồn gốc của chiếc xe, tránh tình trạng bị lừa mua phải xe đang cầm cố ngân hàng hoặc là xe gian do phạm tội mà có, xác định hợp đồng mua xe đã được công chứng theo đúng pháp luật hay chưa.

Tuy nhiên, việc phân biệt giấy tờ thật, giả không phải ai cũng có thể làm được. Vì vậy, người mua nên lựa chọn những nơi kinh doanh uy tín, có cửa hàng, showroom lớn để tránh bị lừa.

"Khách hàng khi mua xe có thể yêu cầu, ghi rõ bằng văn bản với bên bán chỉ thanh toán một phần giá trị xe. Sau khi hoàn thành các thủ tục công chứng, sang tên hợp pháp mới thanh toán nốt số tiền còn lại để đảm bảo an toàn"- ông Dương cho hay.

Có thể bạn quan tâm