Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tượng đài Bác Hồ ở Singapore

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhiều người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Singapore, đặc biệt là du khách trong nước sang đây thường đến thăm tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Bảo tàng Văn minh châu Á (Asian Civilisations Museum) rợp bóng cây xanh.

Theo tài liệu lịch sử, trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 2 lần đến Singapore, gắn liền với những sự kiện quan trọng. Lần dừng chân thứ nhất hồi tháng 5-1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ở Hồng Kông; lần dừng chân thứ 2 vào tháng 1-1933, lúc Bác cố gắng trở về Liên Xô nhưng bất thành và bị buộc phải trở lại Hồng Kông.

Những năm qua, nhiều người Việt đã đến thăm, đặt hoa dưới công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Singapore. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Những năm qua, nhiều người Việt đã đến thăm, đặt hoa dưới công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Singapore. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Để tưởng nhớ những nhân vật nổi tiếng có nhiều đóng góp cho đất nước mình và được người dân tôn kính, từ khá sớm, Singapore (thông qua Ủy ban Di sản quốc gia) đã thực hiện chương trình “Những người bạn đến bờ biển chúng ta” (Friends to Our Shores). Trên cơ sở đó, tháng 5-2008, nhân dịp kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nước bạn đã khánh thành bia tưởng niệm Người tại khuôn viên Bảo tàng Văn minh châu Á. Đến tháng 9-2011, Ủy ban Di sản quốc gia Singapore, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thống nhất đặt thêm bức tượng đồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh bia tưởng niệm.

Bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc bằng đồng, cao 0,55 m, ngang 0,36 m. Trên phiến đá hoa cương trang trọng cao 1,78 m, ngang 0,54 m và dày 0,21 m mỗi mặt, mặt trước văn bia gồm 62 dòng song ngữ Anh-Việt giới thiệu ngắn gọn nhưng khá đầy đủ về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoạn cuối, bia xác nhận ngày mất của Bác là 2-9-1969 và không quên khẳng định: Từ năm 1987, Hồ Chí Minh đã được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới.

. Tác giả bài viết bên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Nguyễn Thuật

. Tác giả bài viết bên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Nguyễn Thuật

Mặt sau tấm bia tưởng niệm khắc bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chữ Hán kèm bản dịch tiếng Việt và Anh ngữ. Từng hơn 1 lần lặng đứng trước tượng chân dung của Người, lần ghé thăm này, tôi vẫn bồi hồi xúc động khi đọc lại những câu thơ giản dị nhưng mang sức nặng của chân lý: “Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Trong ánh nắng chan hòa của ngày đầu xuân trên đất khách, tôi gặp khá đông người Việt và bạn bè từ nhiều quốc gia ghé thăm khu vực này. Tại đây, ngoài tượng đài và bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, du khách còn có thể chiêm ngưỡng những công trình tương tự dành cho: Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nerhu; nhà văn Jose Rizal-Anh hùng dân tộc của Philippines; chính trị gia Trung Quốc Đặng Tiểu Bình…

Trò chuyện với tôi, vợ chồng chị Trương Hiếu-một gia đình từng nhiều năm làm việc tại Singapore-cho biết: Tượng và bia Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trong khuôn viên của bảo tàng nổi tiếng, ngay bên cạnh bờ vịnh đẹp lại gần các địa điểm du lịch hấp dẫn khác nên luôn thu hút sự quan tâm của khách tham quan.

15 năm đã trôi qua kể từ ngày công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng và bức tượng Bác được đặt bên cạnh tấm bia này sau đó, hàng ngàn du khách Việt Nam và bạn bè quốc tế đã đến tham quan, kính cẩn nghiêng mình trước hình ảnh có sức truyền cảm mãnh liệt của vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm