Thời sự - Bình luận

Tưởng rằng cây dứa không gai, ai ngờ gai dứa lại dài hơn chông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Song, dù ở thời đại nào, chuyện người người lừa nhau luôn tồn tại. Xã hội càng phát triển thì mánh lới càng tinh vi, thâm độc hơn nên tầm mức "sát thương" cũng rộng lớn và chua cay tương ứng.

Một group chat của giới cò đất ở Phú Quốc từng truyền nhau kinh nghiệm cảnh giác bằng "kịch bản" thần sầu: Ông A bán mảnh đất 20 tỉ, ông B nhận mua và đặt cọc 1 tỉ, hẹn tuần sau công chứng. Hôm sau, ông C tìm tới ông B hỏi mua giá 40 tỉ, ông B nhận cọc 4 tỉ mà bụng sướng rơn.

Sang tuần, ông A bất ngờ đổi ý, không bán nữa, chấp nhận đền cọc gấp đôi. Vào thế bí, ông B phải đền cọc cho ông C, mất trắng 3 tỉ bạc. Vài tuần sau, người ta thấy ông A cụng ly với ông C và ông A lại lên mạng rao bán miếng đất 20 tỉ của mình.

Gần đây, các cuộc mua bán lan phi điệp đột biến liên tục được nâng giá từ vài trăm triệu, lên vài tỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng. Mua bán với nhau tiền tỉ là chuyện của người chơi lan.

Ngặt nỗi, từ đó đã kéo theo nhiều người đổ tiền ra trồng lan với hi vọng sẽ bán được những cây lan tiền khủng. Nhưng nhiều người chỉ thấy bỏ vốn ra mua nhưng tiền thu về rất khó khăn, thậm chí không có ngày quay lại.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phải cảnh báo người dân tránh sập bẫy của những website hoặc ứng dụng thương mại điện tử có tên "Tiêu dùng hoàn tiền", "Mua sắm hoàn tiền".

Những website, ứng dụng này lôi kéo người dân tham gia đầu tư dưới hình thức mua bán sản phẩm và hứa hẹn hoàn tiền 80-100%.

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, những tỉ lệ hoàn tiền cao chót vót này chỉ có giá trị nội bộ, khi quy đổi ra tiền gần như không đáng kể. Người tham gia rót tiền vào thực chất chỉ giúp các ông chủ website, ứng dụng huy động vốn.

Trước đó, Bộ Công an không ít lần cảnh báo người dân không tin và đầu tư vào các website kinh doanh tiền ảo để khỏi tiền mất tật mang. Nhưng không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng kịp thời nhận diện, gọi tên và cảnh báo cho người dân trước các bẫy lừa đảo.

Bởi các đối tượng lừa đảo thường "đi trước" bằng cách lách luật và phải mất một thời gian dài, khi có người dính đòn thì cơ quan chức năng mới phát hiện và có giải pháp cảnh báo, đẩy lui.

Công nghệ phát triển đã giúp cho những người có mưu mẹo, lừa đảo "gõ cửa" tận nhà, "gặp" từng người để thực hiện ý đồ của mình.

Tinh vi hơn là họ không lừa đảo, mà núp dưới bóng "giao dịch dân sự", tự nguyện thỏa thuận để đưa con mồi vào bẫy. Có thể nói công nghệ lừa đảo đã được nâng cấp lên "trình độ" cao hơn.

Thế mới thấy, để không bị sập bởi những cái bẫy giăng sẵn, người tiêu dùng nói riêng, người dân nói chung chỉ "thông minh" thôi chưa đủ mà cần phải tỉnh táo trước những món lợi quá hời.

Không phải ngẫu nhiên mà ai đó tự động bày cho bạn cách kiếm tiền quá dễ dàng mà bạn không phải trả một cái giá nhất định.

Thật đau lòng khi tới đây sẽ còn rất nhiều người, kể cả người nghèo, là con mồi của những kẻ lừa đảo. Đây là thách thức cho cơ quan chức năng, dù lưới pháp luật tuy rộng nhưng cũng không thể vợt hết được cái mánh khóe lừa đảo ngày càng nở rộ khắp nơi.

Theo NGUYỄN TRIỀU (TTO)

Có thể bạn quan tâm