Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Tuyến đường sắt kết nối 9 tỉnh, thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tuyến đường sắt mới nối từ Quảng Ninh qua Hà Nội lên Lào Cai đi Trung Quốc được đề xuất quy hoạch khổ ray 1.435 mm, dự kiến kết nối 9 tỉnh, thành miền Bắc.

Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến góp ý báo cáo đầu kỳ quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, do liên danh tư vấn Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải - GTVT (TRICC-JSC) và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lập.

Đề xuất tuyến mới dài hơn 441 km

Theo tư vấn, trục hành lang Đông Tây nối khu vực cảng biển phía Đông tại Hải Phòng lên vùng Tây Bắc (Yên Bái - Lào Cai) với 2 tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Hải Phòng luôn chiếm gần 50% khối lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa của hệ thống đường sắt quốc gia.

Vì vậy, liên danh tư vấn đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có điểm đầu là điểm kết nối với đường sắt Trung Quốc tại Lào Cai; điểm cuối là Hải Phòng và Quảng Ninh, theo khổ tiêu chuẩn 1.435 mm tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu vận tải thời kỳ 2030, tầm nhìn đến 2050. Tổng chiều dài toàn tuyến hơn 441 km, vận tốc thiết kế tối đa 160 km/giờ. Hướng tuyến đi qua các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Toàn tuyến có 41 ga, trong đó, 5 ga lập tàu gồm: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Ga Lào Cai còn đảm nhận là ga giao tiếp liên vận quốc tế, ga Hạ Long chỉ lập tàu khách, ga Cái Lân và ga Yên Thường chỉ lập tàu hàng. Ngoài ra còn có 10 ga trung gian phục vụ cả hành khách và hàng hóa, 5 ga trên cảng biển và 22 ga dọc đường nhường tránh tàu.

Cũng theo tư vấn, tuyến đường sắt này bao gồm toàn bộ tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một đoạn tuyến từ Hải Phòng đến Hạ Long của tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuyến đường sắt hiện tại khổ 1.000 mm, cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu vận tải.
Tuyến đường sắt hiện tại khổ 1.000 mm, cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu vận tải.

Về phương án chạy tàu, tàu khách và tàu hàng sẽ kết nối với đường sắt Trung Quốc tại ga Lào Cai, sau đó qua Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (tàu khách kết thúc tại ga Hạ Long, tàu hàng kết thúc tại ga Cái Lân). Để kết nối với các cảng biển khu vực Hải Phòng, tàu sẽ từ ga Nam Hải Phòng đi đường nhánh tới cảng Đình Vũ, Lạch Huyện, Đồ Sơn.

Phương án tuyến đường sắt trên kết nối với Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai, với khổ ray 1.435 mm trong tương lai, tàu có thể chạy thẳng vào hệ thống đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc. Khi đầu tư hoàn thành, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh có thể kết nối với đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) đi Trung Quốc đang khai thác tàu khổ ray lồng giữa 1.000 mm và 1.435 mm.

Cần bao nhiêu tỉ đồng để làm tuyến mới?

Trong báo cáo đầu kỳ này, tư vấn TRICC-TEDI chưa đưa ra mức khái toán đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Tuy nhiên, trước đó, năm 2018, với sự hỗ trợ vốn ODA của Trung Quốc, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 Đường sắt Trung Quốc (V5-TQ) đã lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Trung Quốc. Theo đó, V5-TQ đề xuất tuyến đường bắt đầu từ ga Lào Cai hiện tại, theo hướng Đông qua 8 tỉnh, thành phố: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tuyến kết nối với đường sắt Trung Quốc qua Hà Khẩu (Lào Cai). V5-TQ đánh giá sau khi hoàn thành đầu tư tuyến đường sắt phía Việt Nam, đường sắt khổ ray 1.435 mm sẽ nối thông từ cảng Hải Phòng đi châu Âu, chạy tàu theo lộ trình: Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh - Thành Đô - Lan Châu - Horgos (đi châu Âu).

Tuyến đường sắt hiện tại khổ 1.000 mm, cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu vận tải
Tuyến đường sắt hiện tại khổ 1.000 mm, cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu vận tải

Tổng chiều dài toàn tuyến phía Việt Nam khoảng 392 km (chỉ đi chung tuyến hiện có khoảng 12 km, còn lại làm mới), đường sắt đơn khổ ray 1.435 mm, kết hợp tàu khách và hàng, tốc độ chạy tàu 160 km/giờ, với 15 đôi tàu/ngày. Tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước khoảng 100.000 tỉ đồng.

Theo đánh giá của tư vấn TRICC-TEDI, báo cáo cuối kỳ của V5-TQ về quy hoạch tuyến đường sắt theo tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là một tài liệu hữu ích để tham khảo khi triển khai dự án quy hoạch đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh ngay ở giai đoạn báo cáo đầu kỳ.

Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng do V5-TQ lập quy hoạch
Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng do V5-TQ lập quy hoạch

Dù liên danh tư vấn TRICC-TEDI chưa đưa ra khái toán đầu tư trong báo cáo đầu kỳ nhưng mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) về việc đầu tư tuyến đường sắt kết nối cảng Hải Phòng, Lạch Huyện, Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như quán triệt Kết luận số 49-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch triển khai quy hoạch mạng lưới đường sắt, trong đó tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt này trong giai đoạn từ nay đến 2025 để huy động nguồn lực, phấn đấu khởi công trước năm 2030.

Theo đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết, chiều dài khoảng 380 km, đường đôi, khổ đường 1.435 mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỉ USD. "Do tổng mức đầu tư tương đối lớn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 để huy động nguồn lực, trong đó có tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng" - Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT xác định việc giảm thị phần vận tải đường bộ kết nối đến cảng biển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm chi phí logistics, trong đó tuyến đường sắt kết nối cảng biển là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cần sớm được đầu tư và phấn đấu khởi công trước năm 2030.

Có thể bạn quan tâm