Giáo dục

Tuyển sinh đại học năm 2024: Đua nhau mở ngành, tăng chỉ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhìn vào đề án tuyển sinh năm 2024 của các trường đại học (ĐH) có thể thấy năm nay tốc độ mở ngành và tăng chỉ tiêu đến chóng mặt. Có trường mở đến 6-8 ngành mới và tăng hàng ngàn chỉ tiêu so với năm 2023.

Tuy nhiên, việc tăng ngành, tăng chỉ tiêu nếu không đảm bảo đủ các điều kiện về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất thì rất dễ dẫn đến khó đảm bảo chất lượng đào tạo.

Phụ huynh nghe tư vấn thông tin xét tuyển năm 2024 tại Trường Đại học Công thương TPHCM. Ảnh: THANH HÙNG

Phụ huynh nghe tư vấn thông tin xét tuyển năm 2024 tại Trường Đại học Công thương TPHCM. Ảnh: THANH HÙNG

Ồ ạt mở ngành

Theo ghi nhận, mở ngành mới và tăng chỉ tiêu tuyển sinh diễn ra ở nhiều trường ĐH trên khắp cả nước. Tại khu vực phía Bắc, Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) năm nay tuyển gần 9.900 chỉ tiêu cho 48 ngành và chương trình đào tạo (tăng hơn 2.200 chỉ tiêu) và mở thêm 8 ngành, chương trình so với năm ngoái.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 6 ngành mới, gồm Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Quan hệ lao động. Trong đó, ngành Khoa học dữ liệu và ngành Trí tuệ nhân tạo dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu/ngành, những ngành còn lại tuyển 50 chỉ tiêu/ngành. Trừ Quan hệ lao động đào tạo cử nhân, 5 ngành còn lại sẽ có cả hệ cử nhân và kỹ sư. Đây là lần đầu tiên trường đào tạo hệ kỹ sư.

Tương tự, năm 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 9.260 chỉ tiêu cho 64 chương trình đào tạo, tăng 1.275 chỉ tiêu so với năm ngoái. ĐH này tăng chỉ tiêu sau khi chuyển từ trường ĐH sang ĐH phát triển theo hướng ĐH đa ngành.

Trong khi đó, nhiều trường tại khu vực phía Nam cũng tăng chỉ tiêu và mở ngành mới. Cụ thể, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (Hutech) dự kiến tuyển sinh 12.500 sinh viên cho 63 ngành, trong đó có 7 ngành mới: Trí tuệ nhân tạo, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Công nghệ tài chính, Kinh tế số, Công nghệ thẩm mỹ.

Trường ĐH Công thương TPHCM tăng từ 5.000 lên 7.000 chỉ tiêu trong năm 2024, và là trường tăng chỉ tiêu nhiều nhất trong năm 2024 tại phía Nam. Trường ĐH Ngân hàng TPHCM dự kiến mở các ngành mới: Marketing, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Khoa học dữ liệu, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, chuyên ngành Kiểm toán và Quản lý rủi ro... Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường là 4.329, tăng gần 700 so với năm ngoái.

Riêng trong hệ thống các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa dẫn đầu khi mở 6 ngành mới, gồm: Thiết kế vi mạch, Công nghệ Hóa dược, Công nghệ mỹ phẩm, Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng, Khoa học dữ liệu.

Lo ngại về đảm bảo chất lượng

Luật Giáo dục Đại học năm 2018 cho phép các trường được tự chủ mở ngành nhưng phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định và trình Bộ GD-ĐT xem xét, phê duyệt. Dù luật cho phép nhưng việc mở ngành mới phải theo đúng các điều kiện quy định tại Thông tư 02/2022 ngày 18-1-2022 của Bộ GD-ĐT về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, thạc sĩ và tiến sĩ (gọi tắt là Thông tư 02).

Theo đó, để mở ngành đào tạo trình độ ĐH phải đáp ứng các điều kiện: các ngành nói chung, không phải là các ngành đặc thù, phải có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu; có ít nhất 5 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình.... Về cơ sở vật chất, phải có đủ phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, cơ sở sản xuất thử nghiệm...

Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM

Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM

Theo các chuyên gia giáo dục, việc trao quyền tự chủ cho các trường mở ngành đã tạo điều kiện để ngày càng nhiều ngành được mở mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Thế nhưng, thống kê mới đây của Bộ GD-ĐT cho thấy, số ngành các trường mở mới từ năm 2019 đến tháng 8-2023 là gần 1.200 ngành, nhưng không phải trường nào cũng thận trọng khi mở ngành.

Có những trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn tự mở ngành đào tạo, trong đó nhiều trường mở ngành nhưng không đảm bảo đủ các điều kiện. Thanh tra Bộ GD-ĐT đã từng xử phạt một số trường vì không duy trì đủ các điều kiện sau một thời gian mở ngành. Có trường phải đóng ngành, chuyển sinh viên đã tuyển sang trường khác vì không có giáo trình, giảng viên không có trình độ tiến sĩ...

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, khi mở ngành mới, các trường phải xác định đó có phải là những ngành phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội ở hiện tại và tương lai không. Điểm quan trọng nữa là trường phải có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng.

Các trường phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh (từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển) để thí sinh lựa chọn. Hiện nay, Bộ GD-ĐT quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua những dữ liệu này, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau mỗi mùa tuyển sinh.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công thương TPHCM, cho biết, nhiều trường thi nhau mở ngành, tăng chỉ tiêu nhằm nâng quy mô tuyển sinh và cái đích cuối cùng là nguồn thu từ học phí. Để đáp ứng quy định khi mở ngành mới, các trường đều có chính sách thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ. Nhưng sau khi mở được ngành, các trường có duy trì được điều kiện, năng lực đào tạo hay không là chuyện khác. Thực tế có nhiều trường sau 1, 2 năm mở ngành thì giảng viên giảm 50%. Điều này dẫn đến hệ quả là chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Có thể bạn quan tâm