Xã hội

Lao động - Việc làm

Tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho lao động nông thôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo sự công bằng về cơ hội việc làm.

Đối với lao động người dân tộc thiểu số (DTTS), việc trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp không chỉ giúp họ hòa nhập vào thị trường lao động mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

Mới đây, huyện Đak Đoa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trường Cao đẳng Gia Lai cùng một số doanh nghiệp tổ chức 2 buổi tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho lao động DTTS tại 2 xã Hneng và Hnol. Hoạt động này thu hút gần 200 lao động DTTS và học sinh tham gia.

Tại đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đã tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động, việc làm; cung cấp thông tin tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng lao động... Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức hoạt động đối thoại, giao lưu, giải đáp chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, hướng nghiệp, tuyển sinh, du học và chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Quang cảnh buổi tư vấn việc làm cho lao động dân tộc thiểu số tại xã Hnol, huyện Đak Đoa. Ảnh: Văn Đức

Quang cảnh buổi tư vấn việc làm cho lao động dân tộc thiểu số tại xã Hnol, huyện Đak Đoa. Ảnh: Văn Đức

Gia đình ông Ksiu Plak (làng Thung, xã Hnol) có 4 người con đang trong độ tuổi lao động nhưng đều chưa có việc làm. Vì vậy, ông quyết định đến với buổi tuyên truyền để nắm bắt thông tin việc làm rồi về định hướng cho các con. Ông tâm sự: Gia đình có 3 sào ruộng lúa nước, không có đất trồng cây công nghiệp. 4 người con đều đã bước vào tuổi lao động nhưng không có công việc ổn định, chủ yếu trông chờ vào việc làm thuê hàng ngày. Cuộc sống gia đình vì thế rất khó khăn.

“Qua buổi tuyên truyền, tôi đã được đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu về 3 công ty ở Bình Dương đang tuyển lao động phổ thông làm linh kiện điện tử với mức lương 12-15 triệu đồng/tháng, công nhân được lo cơm trưa và được hưởng đầy đủ chế độ, quyền lợi theo quy định. Tôi thấy mức lương như vậy khá tốt, doanh nghiệp còn lo cho bữa ăn trưa nữa nên cũng yên tâm. Tôi sẽ kết nối với Trung tâm để cho con trai đầu và thứ 2 đi trước. Nếu công việc ổn định, tôi sẽ tiếp tục cho 2 con sau đi làm”-ông Plak chia sẻ.

Với mong muốn tìm kiếm cơ hội đi du học tại Nhật Bản, em Thiên (thôn Kdập, xã Hneng) cũng đến tham gia buổi tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp tại xã. Thiên chuẩn bị bước vào lớp 12, ước mơ được trở thành điều dưỡng viên.

Thiên kể: “Tại đây, các đơn vị tuyển dụng lao động và du học sinh tư vấn nhiệt tình, em thấy cánh cửa tương lai của mình đã được mở rộng. Qua buổi tuyên truyền, em còn được biết các công ty không chỉ hỗ trợ làm hồ sơ mà còn cho vay 50% chi phí để mình có thể chủ động tài chính khi đi du học. Em đã để lại số điện thoại và lấy thông tin của các đơn vị để khi cần sẽ gọi điện nhờ tư vấn kỹ hơn và cũng để tham khảo ý kiến gia đình, chọn ngành nghề phù hợp nhất sau khi tốt nghiệp THPT”.

Trực tiếp tư vấn người lao động tại buổi tuyên truyền, ông Nguyễn Văn Đức-Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực Việt Trí MD (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho hay: Hiện tại, Công ty đang tuyển du học sinh đi du học tại Nhật Bản, Hàn Quốc và tuyển dụng lao động đi làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản. Kinh phí mỗi chuyến đi từ 90 đến 130 triệu đồng.

Với trường hợp người lao động có hoàn cảnh khó khăn, Công ty sẽ hỗ trợ vay vốn và khấu trừ khi người lao động có thu nhập. Mức lương dành cho lao động phổ thông tại các thị trường này là 22-25 triệu đồng/tháng; du học sinh tại Nhật Bản, Hàn Quốc là 160-200 triệu đồng/người (bao gồm 1 năm học phí đầu tiên và 6 tháng thuê nhà ở).

“Những học sinh đi du học tự túc và người lao động làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài hợp đồng 3 năm còn có cơ hội ở lại làm việc thêm 7-8 năm nếu thi được chứng chỉ nghề và tiếng Nhật, Hàn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều lao động chưa có trình độ nghề, ngoại ngữ bị hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong làm việc và giao tiếp. Mặt khác, nhiều lao động còn gặp khó khăn về kinh tế nhưng lại không thuộc diện ưu tiên được vay vốn”-ông Đức thông tin thêm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa Đinh Ơng nhìn nhận: Công tác tuyên truyền và tư vấn, định hướng nghề nghiệp sẽ giúp người lao động và học sinh trên địa bàn huyện có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ hội việc làm cũng như yêu cầu của thị trường lao động. Qua các buổi tuyên truyền, các đơn vị đã cung cấp thông tin về ngành nghề, xu hướng phát triển nghề nghiệp, kỹ năng cần thiết để thành công trong công việc.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Đak Đoa phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức được 23 buổi tư vấn trực tiếp tại thôn, làng, cung cấp thông tin thị trường lao động và hỗ trợ việc làm cho gần 1.000 lượt lao động người DTTS; tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm cho gần 500 lượt học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong Tiểu dự án 3-Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.

Đặc biệt là tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động và hỗ trợ việc làm cho lao động người DTTS; tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh tại Trường THCS Dân tộc nội trú. Từ đó, góp phần triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện”-Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm