(GLO)- Với trang trại chăn nuôi heo quy mô, ứng dụng công nghệ cao, anh Nguyễn Hữu Phước (SN 1985, làng Hố Lang, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) lãi hơn 2 tỷ đồng/năm.
Giữa năm 2012, anh Phước từ chối mức lương 25 triệu đồng/tháng ở một công ty chuyên sản xuất thức ăn gia súc của Thái Lan-chi nhánh Bình Định để về nhà... nuôi heo. Anh Phước cho biết: “Sau khi học chuyên ngành thú y Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên, rồi trải qua một thời gian làm thuê ở trang trại heo, tôi xin bố mẹ 2 ha đất và vay hơn 1 tỷ đồng để đầu tư chuồng trại nuôi heo theo hướng công nghệ cao. Tiếp đó, tôi mua 20 con heo nái giống chuẩn của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam về nuôi. Sau 6 tháng, heo nái đẻ, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại để tách đàn nuôi heo thịt”.
Tuy nhiên, giai đoạn 2013-2015 là thời điểm khó khăn nhất đối với người chăn nuôi. Heo bị dịch bệnh, giá giảm mạnh, nhiều gia đình đã phải cắt giảm số lượng nuôi vì thua lỗ quá nặng. Trang trại của anh Phước cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, anh không từ bỏ mà quyết tâm bám trụ đến cùng. Anh dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp chăn nuôi mới, vừa cải thiện chất lượng thịt heo vừa giảm chi phí đầu tư.
Anh Nguyễn Hữu Phước bên trang trại heo của gia đình. Ảnh: Đinh Yến |
Trong một lần cho heo ăn, anh Phước tình cờ phát hiện đàn heo có phản ứng khá tích cực khi nghe nhạc. Sau đó, anh đã mạnh dạn đầu tư dàn âm thanh rồi cả ngày lẫn đêm mở những bản nhạc trữ tình du dương... cho heo nghe. Không những thế, anh còn tự nghĩ ra phương pháp thay đổi nhịp sinh học của heo. Thay vì cho heo ăn ban ngày và ngủ ban đêm như trước thì anh sử dụng máng ăn tự động. Theo đó, heo có thể ăn bất cứ lúc nào chúng muốn, chỉ cần đẩy mũi vào máng là thức ăn tự động rơi xuống.
“Chăn nuôi theo cách này, chỉ hơn 5 tháng, heo ăn hết khoảng 200 kg cám. Khi heo đạt trọng lượng khoảng 1 tạ thì xuất chuồng. Được nghe nhạc thường xuyên, heo trở nên lanh lẹ, dạn dĩ hơn, chúng không nằm im một chỗ sau khi ăn no mà luôn vận động, giúp tăng trọng, thịt chắc và giảm hẳn dịch bệnh. Đối với heo nái, khi được nghe nhạc, tỷ lệ đậu thai cao, giống tốt, giai đoạn nuôi con thì tiết ra lượng sữa nhiều hơn”-anh Phước chia sẻ kinh nghiệm.
Trang trại của anh Phước hiện có 80 con heo nái và gần 300 con heo thịt. Đầu năm 2019, giá heo tăng vọt, có lúc lên đến 90.000 đồng/kg heo hơi; heo giống 3,8 triệu đồng/con 10 kg. Bình quân mỗi tháng, trang trại xuất chuồng khoảng 160 con heo giống và heo thịt, doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh lãi khoảng 200 triệu đồng.
Theo anh Phước, đầu tư nuôi heo công nghệ cao cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với nuôi heo theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, người chăn nuôi phải có kỹ thuật tốt, đặc biệt là phải tuân thủ khắt khe các quy tắc phòng bệnh.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm chăn nuôi, anh Phước cho rằng: Vấn đề khó giải quyết nhất của người nuôi heo theo mô hình trang trại là xử lý chất thải. Nếu không quản lý tốt thì việc phát triển số lượng đàn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Do vậy, người nuôi cần đầu tư hệ thống xử lý chất thải quy củ mới mong phát triển bền vững.
“Chất thải trang trại của tôi được giữ lại và xử lý bằng men vi sinh trong các ao lắng, phần nước thải sau ao lắng được dùng để tưới cà phê và cây ăn quả. Nhờ phương pháp này, gia đình tôi có điều kiện để sản xuất cà phê sạch, mang lại nguồn thu nhập cao hơn; đồng thời giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”-anh Phước nói.
Ông Nguyễn Công Thuần-Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Chư Pơng-nhận xét: “Trang trại chăn nuôi heo của gia đình anh Phước là mô hình áp dụng công nghệ tiên tiến và hiệu quả. Thành công của mô hình đã mở ra hướng chăn nuôi bền vững và hiệu quả cho nông dân trên địa bàn xã”.
ĐINH YẾN