Kinh tế

Giá cả thị trường

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trịnh Văn Quyết mua 110 máy bay Boeing

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Việt Nam, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trịnh Văn Quyết, đại diện cho hai hãng hàng không VietJet Air và Bamboo Airways đã ký kết các thỏa thuận với Boeing để mua 110 máy bay với tổng trị giá thỏa thuận là 15 tỷ USD.
VnIndex lấy lại mốc 990 điểm
Sự trở lại của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, VRE, VNM, MSN, PLX đã giúp chỉ số VnIndex lấy lại sắc xanh ngay ở những phút đầu phiên giao dịch ngày 27.2. Sau đó, VnIndex dù gặp phải lực cản khi tiến tới ngưỡng 995 điểm, song tới thời điểm kết thúc phiên giao dịch, VnIndex vẫn tăng 3,21 điểm (0,33%), lên 990,27 điểm. Còn HNX-Index giảm 0,03 điểm (0,03%) xuống 107,63 điểm.
 
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27.2, VnIndex tăng 3,21 điểm (0,33%), lên 990,27 điểm. (Ảnh: TVSI)
Khối ngoại trên TTCK Việt Nam bán ròng phiên thứ hai liên tiếp với với tổng khối lượng bán ròng đạt 11,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 257,8 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 4,8 triệu cổ phiếu với giá trị mua ròng đạt 53 tỷ đồng. Trong đó, CCQ ETF nội E1VFVN30 tiếp tục dẫn đầu danh sách mua ròng với giá trị mua ròng đạt 102 tỷ đồng. Tiếp theo, MSN và HPG lần lượt được mua ròng với giá trị 42,3 tỷ đồng và 26,3 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, GTN bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị bán ròng đạt 76 tỷ đồng. VJC xếp ở vị trí tiếp theo với giá trị bán ròng của khối ngoại đạt 48,8 tỷ đồng. VHM xếp thứ 3 với giá trị bán ròng của khối ngoại đạt 48,4 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, bộ ba “cổ phiếu họ Vin” đã trở lại, đóng góp đáng kể vào việc giúp chỉ số VnIndex lấy lại sắc xanh. Cụ thể, VIC tăng 1,6% lên 117.400 đồng, VNM tăng 1,1% lên 147.700 đồng, còn VRE đứng ở mức tham chiếu.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại tạo tác động tiêu cực tới chỉ số VnIndex. Trong đó, VCB giảm 1,75% xuống 61.900 đồng, TCB giảm 0,91% xuống 27.200 đồng, CTG giảm 0,94% xuống 21.150 đồng, VPB giảm 0,47% xuống 21.200 đồng... Chỉ có EIB xuất hiện sắc xanh, còn BID và MBB đứng ở mức tham chiếu.
Ngoài ra, sắc đỏ còn xuất hiện ở khán nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VJC, PLX, MSN, HPG.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trịnh Văn Quyết chi 15 tỷ USD mua máy bay
Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Việt Nam, hai hãng hàng không VietJet Air và Bamboo Airways ký kết các thỏa thuận với Boeing để mua 110 máy bay với tổng trị giá thỏa thuận là 15 tỷ USD.
 
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đại diện cho Vietjet Air kí hợp đồng mua 100 chiếc Boeing 737 MAX, trị giá 12,7 tỉ USD.
Cụ thể, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump, lễ ký kết hợp đồng mua máy bay của Vietjet Air và Bamboo Airways với Boeing đã lần lượt diễn ra. Đại diện của Vietjet Air là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, còn đại diện cho Bamboo Airways là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Về phía Tập đoàn Boeing là ông Kevin McAllister, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Boeing.
Theo đó, VietJet Air đã ký vào đơn đặt mua 100 chiếc máy bay Boeing 737 MAX với tổng trị giá 12,7 tỷ USD, cùng với đó là hợp đồng bảo dưỡng động cơ với Tập đoàn General Electric. Như vậy, tổng trị giá hợp đồng của Vietjet Air lên tới 18 tỷ USD. Còn Bamboo Airways ký thỏa thuận với Boeing để mua 10 chiếc tàu bay Boeing 787 thân rộng trị giá 2,9 tỷ USD.
 
Lễ ký kết mua 10 máy bay của Bamboo Airways diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết hãng đang lên kế hoạch sẽ khai trương đường bay thẳng Việt - Mỹ trong cuối 2019 và đầu 2020. Hiện Tập đoàn FLC đã lập văn phòng đại diện tại Mỹ trong năm 2018 để chuẩn bị cho đội ngũ nhân sự, pháp lý và nhiều yếu tố hỗ trợ khác.
Kế hoạch đang được khẩn trương xúc tiến ngay sau khi phía Mỹ chính thức công nhận Việt Nam xếp hạng an toàn hàng không loại 1 (CAT 1) ngày15.2 vừa qua.
“Quan hệ kinh tế, thương mại Việt - Mỹ đang được mở rộng hết sức nhanh chóng. Nhu cầu mở đường bay thẳng giữa hai thị trường là cấp thiết. Các chuyến bay này không chỉ đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động trong ngành du lịch, mà còn giúp tiếp tục phát triển các cơ hội đầu tư và thương mại song phương”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC nói.
Còn theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways, việc ký thoả thuận mua thêm 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9, đồng thời đang nghiên cứu bổ sung 25 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX, sẽ giúp Bamboo Airways gia tăng hiệu suất khai thác cũng như khả năng cạnh tranh trên những đường bay quốc tế nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức.
Về phía VietJet Air, hãng này dự báo số lượng hành khách sẽ tăng trưởng 24% lên 29 triệu hành khách và số chuyến bay quốc tế sẽ tăng 44% trong năm nay. Tổng doanh thu năm 2018 của hãng hàng không này nhảy vọt 24% lên 52.400 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD).
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, VietJet Air không hy vọng sẽ mở đường bay tới Mỹ, nhưng sẽ phụ thuộc vào các mối quan hệ hợp tác liên danh với các hãng hàng không đã có đường bay tới Mỹ, đồng thời tập trung vào các chuyến bay trong nước và khu vực. VietJet đang trong quá trình đàm phán với các công ty hàng không và công ty tài chính để tạo lập mối quan hệ hợp tác ở các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nguyên Phương (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm