Kinh tế

Nông nghiệp

Tỷ phú nông dân rủ cả làng làm giàu bằng cách trồng bạt ngàn tre lấy măng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thấy măng tre dễ trồng, ít công chăm sóc, thu nhập cao, anh Nam đã đi tiên phong gieo mầm và giúp nhiều nông hộ thành tỷ phú.

Táo bạo gieo mầm

Là một trong những người tiên phong trong thực hiện mô hình nuôi lợn kết hợp trồng tre lấy măng của địa phương, anh Nguyễn Hải Nam (ấp 11, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cho biết, trước đây, anh sở hữu gần 10 ha cao su. Qua sách báo anh thấy mô hình nuôi lợn kết hợp trồng tre lấy măng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên dự tính chuyển qua.

 

Anh Nguyễn Hải Nam bên vườn măng tre của gia đình. Ảnh: Trần Trung.
Anh Nguyễn Hải Nam bên vườn măng tre của gia đình. Ảnh: Trần Trung.


Sau khi tham khảo thực tế tại các địa phương khác, năm 2004, anh mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất sang thực hiện mô hình. Đây được xem là quyết định táo bạo của anh Nam vì thời điểm đó, cây cao su đang còn thời hoàng kim.

Thế nhưng, bằng việc thực hiện mô hình một cách sáng tạo, ứng dụng KHKT cao vào sản xuất, anh đã gặt hái được thành công vượt bậc, đến nay mỗi năm gia đình anh thu nhập không dưới 1 tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi tham trang trại có quy mô 1.200 con lợn không ngửi thấy mùi hôi, anh Nam cho biết, quy trình chăn nuôi lợn của anh tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học.

Để tận dụng tối ưu nguồn chất thải, anh đã đầu tư 2 bể lắng, 2 máy bơm và hệ thống đường ống tưới nhỏ giọt cho vườn cây, nhờ có phân nước đầy đủ nên 6 ha tre của gia đình cho măng quanh năm.

Anh Nam chia sẻ: “Vì trang trại quy mô lớn, phân chuồng ủ vi sinh, nước thải từ công trình biogas cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng, nên hầu như tôi không phải sử dụng phân bón hóa học. Hiện, diện tích cây tre phát triển tốt, do sản phẩm hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, măng tre của gia đình làm ra đến đâu đều được thương lái đến tận vườn lấy đến đó”.

Nhân rộng mô hình

Từ những hộ trồng tre lấy măng tự phát, người dân xã Thành Tâm (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã tập hợp và thành lập HTX măng tre Thành Tâm. Mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động từ tháng 4/2017, HTX đã có những phương hướng và cách làm mới, mang lại kết quả tích cực cho các thành viên cũng như nông dân trồng măng tre trên địa bàn.

 

 Xã viên HTX Thành Tâm thu hoạch măng. Ảnh: Trần Trung.
Xã viên HTX Thành Tâm thu hoạch măng. Ảnh: Trần Trung.


Anh Trần Văn Quyền, thành viên HTX măng tre Thành Tâm cho biết, anh có 2,5 ha cao su, sau khi cao su hết thời gian khai thác, được tư vấn của HTX,  anh đã quyết định thanh lý cây và trồng tre.

Khi tham gia HTX, anh Quyền thấy có nhiều quyền lợi: được tư vấn kỹ thuật trồng cho năng suất cao, hỗ trợ về giá khi mua phân bón, được định hướng liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế cao hơn, hạn chế được tình trạng tư thương ép giá.

Mới vào nghề, anh Quyền chỉ bỏ tiền đầu tư giống, phân bón, hệ thống tưới khoảng 60 triệu đồng/ha tre, ngay trong năm đầu tiên cây tre đã cho thu hoạch măng. Năm thứ 2, anh Quyền và các hộ trồng tre có thêm thu nhập từ các phụ phẩm như cây tre già, lá tre...

“Với tổng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng, hiện mỗi năm cho tôi thu nhập từ 150 triệu đồng/ha trở lên”, anh Quyền phấn khởi nói.


 

 Hệ thống tưới tự động giúp măng sinh trưởng phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.
Hệ thống tưới tự động giúp măng sinh trưởng phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.


Ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX măng tre xã Thành Tâm cho biết: HTX có chức năng trồng chuyên canh tre lấy măng, sản xuất và cung cấp tre giống... HTX có 15 xã viên với  diện tích trên 100 ha, trong đó gần 50 ha măng tre đang cho thu hoạch, với năng suất bình quân khoảng 10-15 tấn/ha/năm, những hộ chăm sóc tốt có thể đạt 25 tấn/ha/năm. Hiện bình quân mỗi hộ thu nhập 140 triệu đồng/ha/năm. Nếu đầu tư chăm sóc tốt, hộ có thu nhập cao nhất 350 triệu đồng/ha/năm.

Hướng sản xuất bền vững

Với mục tiêu hướng tới chế biến, sản xuất sản phẩm măng khô, nhằm phát huy thương hiệu sản phẩm, HTX đã và đang triển khai xây dựng lò sấy, nhà kho với kinh phí trên 1 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ của Nhà nước 370 triệu đồng.

Đơn vị còn thuê chuyên gia chuyển giao công nghệ sấy và bảo quản. Để đảm bảo quyền lợi xã viên cũng như thương hiệu sản phẩm, đơn vị đang hoàn tất thủ tục chứng nhận quy trình sản xuất theo hướng VietGAP.

Ông Nguyễn Kim Thành cho biết, nhờ sản phẩm của HTX được chăm sóc đúng quy trình hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm nên nhiều khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác, hệ thống Co.op Mart… đã liên hệ, đặt hàng với HTX.

 “Nếu vào được các thị trường tiềm năng trên, măng khô HTX sẽ bán với giá không dưới 400 ngàn đồng/kg, so với bán măng tươi như hiện nay có thể lời gấp đôi”, ông Thành tiết lộ.

 

Nhờ chủ động nguồn nước, phân bón, măng có quanh năm. Ảnh: Trần Trung.
Nhờ chủ động nguồn nước, phân bón, măng có quanh năm. Ảnh: Trần Trung.



Ông Thành chia sẻ, HTX còn hướng tới việc bao tiêu sản phẩm cho thành viên cũng như các hộ nông dân và tiến tới mở rộng thị trường, nâng cao sức tiêu thụ. Đây là hướng đi mới giúp sản phẩm măng tre Thành Tâm khẳng định được thương hiệu và đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho người trồng măng. Với ưu thế về địa hình, thổ nhưỡng, nguồn nước, HTX măng tre xã Thành Tâm hứa hẹn là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
 

Ông Huỳnh Tấn Được, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Tâm nhận định: Bà con trồng tre lấy măng là một giải pháp tốt đem lại nguồn thu nhập đáng kể, nhiều hộ khá lên nhờ trồng tre. Hơn nữa, cây tre dễ trồng nên bà con trồng nhiều, tiềm năng phát triển trồng tre lấy măng còn rất lớn, khả năng có thể cung ứng cho thị trường hàng trăm ngàn tấn măng tươi, khô mỗi năm. Sắp tới, xã tiếp tục nhân rộng mô hình này và tìm thêm các nguồn bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ nông dân mở rộng sản phẩm ra thị trường.

https://danviet.vn/ty-phu-nong-dan-ru-ca-lang-lam-giau-bang-cach-trong-bat-ngan-tre-lay-mang-20200925001539329.htm

 

Theo Trần Trung (Báo Nông nghiệp Việt Nam/Dân Việt)
 

Có thể bạn quan tâm