Bạn đọc

UBND tỉnh Gia Lai trả lời cử tri liên quan đến một số chính sách và trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công văn số 1673/UBND-NC của UBND tỉnh Gia Lai về việc trả lời và chỉ đạo giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo Kế hoạch giám sát số 61/KH-HĐND ngày 19-10 của Thường trực HĐND tỉnh, Báo Gia Lai điện tử trích đăng nội dung UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết và chỉ đạo giải quyết.
1. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí đầu tư cầu bê tông xi măng qua khu sản xuất Tây sông Ba thuộc xã Đông, huyện Kbang (thay thế cầu treo đầu tư từ năm 2001 đến nay đã hư hỏng, xuống cấp), để phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa cho hơn 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của Nhân dân và trên 200 hộ đồng bào Bahnar của 2 làng thuộc thôn 6 (xã Đông, huyện Kbang).
Kết quả giải quyết đến thời điểm giám sát: Về vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh giao kế hoạch tại Quyết định số 504/QĐ-UBND ngày 11-8-2021, Quyết định số 615/QĐ-UBND ngày 21-9-2021; theo đó, huyện Kbang được đầu tư các dự án: đường liên xã huyện Kbang (năm 2024-2026); đường Hai Bà Trưng, thị trấn Kbang (năm 2021-2022); đường giao thông quy hoạch Tây sông Ba, Kbang (năm 2025-2026)... Đồng thời, vốn trong cân đối theo tiêu chí tỉnh phân cấp cho huyện là 136,636 tỷ đồng để đầu tư cho các công trình; UBND huyện có trách nhiệm rà soát các dự án trọng tâm, trọng điểm có tính lan tỏa để sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư. Nếu thấy cần thiết, bố trí từ nguồn phân cấp cho huyện.
Để UBND Kbang tổ chức triển khai thực hiện công tác giải quyết kiến nghị cử tri đảm bảo theo yêu cầu của UBND tỉnh tại Công văn số 1374/UBND-NC ngày 21-9-2021, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thống nhất việc Thường trực HĐND tỉnh chuyển nội dung kiến nghị này về cho HĐND huyện Kbang kiểm tra, theo dõi, giám sát việc triển khai, thực hiện của UBND huyện Kbang.
2. Đề nghị UBND tỉnh sớm giải quyết kinh phí Dự án IFAD còn nợ của các công trình huyện Kbang với số tiền 917.970.000 đồng để thanh toán cho các tổ nhóm thợ thuộc 5 xã (Đông, Nghĩa An, Tơ Tung, Kông Pla và Kông Lơng Khơng) trên địa bàn huyện.
Kết quả giải quyết đến thời điểm giám sát: Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Gia Lai thực hiện theo Hiệp định vay vốn số L-I-826-VN giữa Việt Nam và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD, thời gian thực hiện từ ngày 25-2-2011 đến 31-3-2017.
Đến nay, dự án đã hoàn thành các hạng mục theo Hiệp định tài trợ và đã kết thúc dự án. Tuy nhiên, do một số vướng mắc nên Dự án không rút được khoản kinh phí 4,7 tỷ đồng từ nhà tài trợ để thanh toán cho các công trình đã thực hiện. Lý do không rút được vốn năm 2017 để trả nợ cho các nhà thầu là do không có sự thống nhất cơ chế quản lý vốn ODA giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý theo vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể điều chỉnh kế hoạch vốn vượt vốn đầu tư công đã bố trí đủ cho dự án giai đoạn 2016-2020. Bộ Tài chính quản lý theo Thông tư số 111/2016/TT-BTC ngày 30-6-2017 của Bộ Tài chính tức là phải bố trí đủ kế hoạch thì Bộ Tài chính mới đồng ý cho tiếp tục rút vốn.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến xử lý nguồn vốn ODA của dự án này. Tuy nhiên, bộ, ngành trung ương đề nghị UBND tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành của dự án.
Đối với kiến nghị nêu trên, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban điều phối dự án IFAD phối hợp với UBND huyện Kbang rà soát, đề xuất nguồn vốn thanh toán khối lượng hoàn thành của Dự án.
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang tham gia trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang tham gia trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp
3. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh điều chỉnh nội dung của Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND ngày 9-7-2020 của HĐND tỉnh Gia Lai về quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Vì hầu hết các phường trên địa bàn thị xã tuy là đô thị nhưng người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp (riêng phường Hòa Bình có hơn 60% dân so sống bằng nghề nông nghiệp), mặt khác đa so các hộ dân có diện tích đất nông nghiệp (đất vườn) liền kề ở tương đối lớn nên đề nghị quan tâm tạo điều kiện để các hộ dân chăn nuôi vừa và nhờ để phát triển kinh tế hộ gia đình (cử tri thị xã Ayun Pa). 
Kết quả giải quyết đến thời điểm giám sát:
- Căn cứ Luật Chăn nuôi 2018; Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 9-7-2020 của Chính phủ về Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, HĐND tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 13 đã ban hành Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND ngày 9-7-2021 "Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu vực dân cư không được phép nuôi chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Theo đó, vùng nuôi chim yến gồm: vùng nằm ngoài khu dân cư (thôn, buôn, làng và tương đương đã được quy hoạch); (2) vùng ngoài khu vực không được phép chăn nuôi: tổ dân phố thuộc phường và khu quy hoạch trung tâm hành chính xã được UBND cấp huyện phê duyệt.
Việc quy định khu vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh như Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND ngày 9-7-2021 là phù hợp quy định hiện hành; đáp ứng tính cấp thiết, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, đặc điểm của nghề nuôi chim yến và định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh; việc đề nghị sửa đổi là không phù hợp, vì những lý do sau: Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND ngày 9-7-2021 được ban hành phù hợp với Quy định: Điểm b, Khoản 1, Điều 80 của Luật Chăn nuôi; Khoản 1, 2 Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 9-7-2020 của Chính phủ.
Nghị quyết được ban hành theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; trong đó, đã tổ chức lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, hiệp hội và UBND các huyện, thị xã, thành phố để tiếp thu hoàn chỉnh.
Nội dung quy định về vùng nuôi chim yến như Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND đáp ứng tính cấp thiết, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh; đặc điểm của nghề nuôi chim yến và định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh:
+ Việc nuôi chim yến đã giúp nhiều hộ có thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do hình thành một cách tự phát, trong đó có rất nhiều cơ sở nuôi chim yến xây dựng xen kẽ trong khu dân cư; hoạt động nuôi chim yến hiện nay là dẫn dụ, mọi tập tính hoạt động mang tính tự nhiên gây ô nhiễm môi trường; phát sinh tiếng ồn làm ảnh hưởng lớn đến đời sống cộng đồng và nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho người ở các khu dân cư.
+ Việc xây dựng nhà yến yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài; việc cho phép xây dựng nhà yến tại các khu vực đô thị như đề xuất của cử tri thị xã Ayun Pa gây ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị; có thể làm phát sinh các vấn đề phức tạp về quản lý nhà nước và gây thiệt hại cho người chăn nuôi yến về lâu dài.
4. Theo quy định chính sách hỗ trợ trồng rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ thì tổng mức hỗ trợ trồng rừng là: 7.300.000 đồng/ha/3năm (chia làm 3 giai đoạn hỗ trợ). Tuy nhiên, hiện tại việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho năm đầu trồng rừng là khoảng từ 2.200.000 đồng đến 2.500.000 đồng. Trong khi chi phí cho năm đầu trồng rừng là tương đối nhiều (như chi phí mua giống, làm đất, nhân công... dẫn đến khó khăn cho việc vận động người dẫn tham gia trồng rừng, nhất là các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng đối ứng kinh phí để mua giống cây trồng (mức kinh phí đối ứng cao khoảng 4.000.000 đồng/ha). Do đó, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét và nâng mức hỗ trợ kinh phí cho năm đầu trồng rừng lên 4.000.000 đồng/ha nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc triển khai trồng rừng của các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Do nguồn ngân sách tỉnh có hạn và hàng năm được bổ sung từ ngân sách Trung ương, giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu trồng rừng 40.000 ha, mỗi năm trồng khoảng 8.000 ha nên cần nguồn kinh phí rất lớn. Để đạt được mục tiêu này cần vận dụng linh hoạt nhiều nguồn vốn như: ngân sách Nhà nước, vốn xã hội hóa... Đối với nguồn vốn Trung ương; đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành không cân đối nguồn vốn này mặc dù tỉnh đã đề nghị, khi nào Trung ương bổ sung tỉnh sẽ thực hiện. Nhằm phục vụ công tác trồng rừng giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh xây dựng Dự án các dự án bảo vệ và Phát triển rừng và đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 314/NQ-HĐND ngày 25-2-2021; UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 496/QD-UBND ngày 29-5-2021 về việc phê duyệt Dự án các dự án bảo vệ và phát triển rừng và Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 23-8-2021 của UBND tỉnh về sửa đổi điểm C, Điều 2 và các phụ lục 1, 2, 5 của Quyết định số 496/QD-UBND, theo đó việc trồng rừng sản xuất thuộc dự án sẽ được hỗ trợ để mua cây giống, trồng và chăm sóc với mức hỗ trợ 2.500.000 đồng/ha, trong đó, hỗ trợ năm đầu 2.250.000 đồng/ha; hỗ trợ năm thứ 2 là 250.000 đồng/ha.
Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền cho người dân về mức hỗ trợ trên, để người dân biết, chia sẻ vấn đề ngân sách với tỉnh và tạo sự đồng thuận triển khai công tác trồng rừng đạt chỉ tiêu, có hiệu quả. Ngoài ra, tùy tình hình thực tế mỗi địa phương, có thể nghiên cứu lồng ghép các nguồn vốn khác để hỗ trợ thêm chi phí cho các hộ tham gia trồng rừng sản xuất nhằm mục tiêu trồng rừng đạt kết quả cao nhất.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tích cực chỉ đạo công tác giao đất, giao rừng để người dân trồng rừng kết hợp sản xuất nông lâm kết hợp tạo sinh kế; khuyến khích người dân khi được giao đất giao rừng thì liên doanh với các doanh nghiệp để được đầu tư về cây giống, vật tư và công nghệ để trồng rừng sản xuất thông qua các hợp tác xã.
5. Năm học 2021-2022, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Pơ có tỷ lệ giáo viên/lớp học là 1,6/2,2 đối với bậc mầm non; 1,2/1,5 giáo viên/lớp học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học; 1,9 giáo viên/lớp học 1 buổi/ngày đối với bậc THCS. Do đó, toàn ngành còn thiếu 61 giáo viên (trong đó có 34 giáo viên mầm non, 23 giáo viên tiểu học, 4 giáo viên THCS). Đề nghị UBND tỉnh xem xét cho huyện hợp đồng số giáo viên còn thiếu so với quy định (theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức sổ lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập) để những địa phương còn thiếu giáo viên như Đak Pơ đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giảng dạy (thay vì thực hiện giáo viên dạy tăng thêm). 
Kết quả giải quyết đến thời điểm giám sát: Tình trạng hiện nay của ngành giáo dục tỉnh là giáo viên, nhân viên cơ hữu của các bậc học đang thiếu nhiều so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục ở địa phương mới phát triển ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản, thiết yếu. Tính từ năm 2015 đến năm 2021, tổng số học sinh đến trường ở các cấp học đã tăng 43.087 học sinh tăng 12.4% so với năm 2015 nhưng biên chế giáo viên không được Trung ương bổ sung nhưng tỉnh vẫn phải tiếp tục cắt giảm hàng năm theo yêu cầu của Trung ương (cụ thể, trong 3 năm từ 2018-2021, đã sáp nhập giảm 84 đầu mối trường học, đạt tỷ lệ giảm 10,3% đầu mối sự nghiệp của ngành giáo dục, đã giảm đủ 10% biên chế sự nghiệp, trong đó, sự nghiệp giáo dục đã giảm 2.300 biên chế) mặc dù UBND tỉnh đã thực hiện đồng bộ kiện toàn sắp xếp mạng lưới trường lớp, điều tiết thừa-thiếu cục bộ, cắt chuyển biên chế sự nghiệp từ các khu vực khác sang nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu giáo viên ở mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học.
Tính đến thời điểm hiện nay, ngành giáo dục có 714 trường mầm non, phổ thông công lập, có 11.688 lớp với 391.161 học sinh. Tổng số viên chức từ bậc mầm non đến phổ thông trong biên chế là 19.040 người. Trong đó, cán bộ quản lý 1.770, giáo viên 16.040, nhân viên 1.230. Định mức giáo viên/lớp: ở bậc mầm non chỉ đạt 1,17 (quy định là 2,0); tiểu học chỉ đạt 1,19 (quy định là 1,5); THCS chỉ đạt 1,68 (quy định là 1,9); THPT chỉ đạt 1,96 (quy định là 2,25). Tổng số giáo viên thiếu trong năm học 2021-2022 là 3.721 giáo viên (chưa tính số 1.272 nhân viên còn thiếu, trong đó có 318 trường không có nhân viên kế toán).
Ngày 19-5-2021, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 2273/BNV-TCBC trả lời Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai về việc hợp đồng lao động đổi với giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP. Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động (100% cơ sở giáo dục công lập tỉnh Gia Lai thuộc loại hình này), chỉ được phép hợp đồng lao động giáo viên còn thiếu trong phạm vi biên chế được cấp thẩm quyền giao chưa sử dụng và trong định mức quy định. Do chỉ tiêu số lượng người làm việc được Trung ương giao ở mức thấp nên không thể hợp đồng giáo viên còn thiếu để phục vụ công tác giảng dạy.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã có 2 văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ các khó khăn về biên chế của ngành Giáo dục và Đào tạo (Công văn số 2150/SGDĐT-TCCB ngày 22-9-2021) và xin ý kiến về việc hợp đồng thỉnh giảng đối với giáo viên (Công văn số 2345/SGDĐT-TCCB ngày 13-10-2021). Tuy nhiên đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có văn bản trả lời. 
Đồng thời, trước tình trạng thiếu giáo viên của ngành giáo dục và chủ trương để địa phương được hợp đồng số giáo viên còn thiếu so với quy định để phục vụ công tác giảng dạy; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có Báo cáo số 06/BC-ĐĐBQH ngày 8-10-2021 tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan gửi kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV xem xét, giải quyết.
Đối với nội dung kiến nghị, UBND tỉnh đã báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ xem xét, cho chủ trương tháo gỡ khó khăn cho tỉnh (tại 2 văn bản: Công văn số 918/UBND-NC ngày 10-7-2021 và Tờ trình số 919/TT-UBND ngày 10-7-2021 của UBND tỉnh). Tuy nhiên đến nay, Trung ương chưa có ý kiến giải quyết. Do vậy, trong lúc chờ Trung ương giải quyết, hướng dẫn việc thực hiện thì UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo quy định hiện hành.
* Riêng đối với ngành Giáo dục và đào tạo huyện Đak Pơ có số lượng người làm việc được giao năm 2021 là 539 (giảm so với năm 2020 là 15 chỉ tiêu). Tới thời điểm 30-10-2021, số viên chức có mặt là 538 (trong đó cán bộ quản lý 55, giáo viên 440 giáo viên, nhân viên 43), Còn 1 chỉ tiêu biên chế được giao chưa tuyển dụng. Như vậy, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ nêu trên thì huyện Đak Pơ chỉ được phép hợp đồng 1 giáo viên để phục vụ công tác giảng dạy.
6. Vừa qua, UBND tỉnh, các sở ngành yêu cầu thu hồi lại kinh phí đã hỗ trợ trồng rừng trên diện tích bị chết không đảm bảo mật độ theo Thông tư 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30-10-2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (diện tích cây trồng đạt từ 85% mật độ thiết kế trở lên: nghiệm thu và chi trả 100% diện tích; diện tích cây trồng đạt từ 50%-85% mật độ thiết kế: nghiệm thu thanh toán theo tỷ lệ cây song; diện tích cây trồng đạt dưới 50% mật độ thiết kế: không nghiệm thu). Đây là một vấn đề rất khó khăn đối với bà con tham gia trồng rừng trên địa bàn huyện (đa số là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đời sống rất khó khăn). Do đó, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở ngành khẩn trương nghiên cứu cây trồng rừng phù hợp để hướng dẫn cho huyện triển khai công tác trồng rừng năm 2021. Đồng thời, không thu hồi kinh phí trồng rừng đối với các hộ được vận động tham gia trồng rừng từ năm 2017-2020.
Kết quả giải quyết đến thời điểm giám sát: Đối với diện tích trồng rừng bị chết không đảm bảo mật độ đã qua 4 năm trồng rừng (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc), UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện tiến hành nghiệm thu theo đúng quy định và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT. Trường hợp không đủ tiêu chí đánh giá thành rừng theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp và Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30-10-2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 2085/SNNPTNT-CCKL ngày 7-8-2020 hướng dẫn lập hồ sơ nghiệm thu đánh giá rừng trồng thành rừng), UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải tự bỏ kinh phí để trồng lại rừng hoặc phải hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước bằng số tiền đã nhận hỗ trợ theo đúng yêu cầu trong Hợp đồng trồng rừng đã ký kết. Thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối với các ngành chức năng, UBND cấp huyện kiểm tra thực tế, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Về các loài cây trồng rừng sản xuất, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố liên hệ trực tiếp với Sở Nông nghiệp và PTNT để được hướng dẫn loài cây trong phù hợp với từng địa phương cụ thể.
7. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu hướng dẫn việc thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 97/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh và Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ để các địa phương triển khai chính sách đến doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân hiệu quả hơn.
Kết quả giải quyết đến thời điểm giám sát: Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2018/NQ-HDND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh về Phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể: Quyết định số 39/2019/QĐ-UBND ngày 26-11-2019 về quy định phân cấp thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai (quy định tại khoản 3, Điều 17, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP); Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 14-6-2019 ban hành Danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Gia Lai (quy định tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 98/2018/ND-CP); Công văn số 2931/UBND-NL 27-12-2018 yêu cầu các sở, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 97/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh; Công văn số 230/UBND-NL ngày 25-1-2019 về nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...).
Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp nghe các sở, ngành báo cáo, đề xuất các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, đề xuất UBND tính triển khai Nghị quyết số 97/2018/NQ-HĐND và Nghị định 98/2018/ND-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ, nhất là đối với các nội dung về ban hành quy định định mức hỗ trợ cụ thể và hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do chưa đủ cơ sở pháp lý, xác định lại về thẩm quyền ban hành, nên UBND tỉnh vẫn chưa đủ cơ sở để ban hành Quyết định về quy định các nội dung nêu trên.
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các văn bản hướng dẫn như: Công văn số 1532/SNNPTNT-CCPTNT ngày 11-6-2020 về việc hướng dẫn triển khai xây dựng Dự án liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh; Công văn số 56/SNNPTNT-CCPTNT ngày 8-1-2021 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ theo Sổ tay hướng dẫn liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2018/NQ-HĐND, đồng thời chủ động làm việc với Ban Pháp chế HĐND tỉnh và các sở: Tư pháp, Tài chính và đã thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này như sau: Ngày 21-10-2021, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức cuộc họp thống nhất ý kiến cho chủ trương xây dựng Nghị quyết Quy định biện pháp triển khai Điều 9 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết Quy định biện pháp triển khai Điều 9 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ tư của HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) vào cuối năm 2021.
GLO

Có thể bạn quan tâm