Bạn đọc

UBND tỉnh Gia Lai trả lời cử tri về biên chế giáo viên và hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại tại Báo cáo số 1081/UBND-NC, UBND tỉnh Gia Lai đã trả lời kiến nghị của cử tri huyện Chư Prông và Kbang về bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên và hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo dân tộc thiểu số. Báo Gia Lai điện tử xin trích đăng nội dung này.
Kiến nghị
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Prông tổng số học sinh tại các cấp học là 27.912 học sinh với 890 lớp học, tuy nhiên số lượng giáo viên đứng lớp hiện là 1.184 giáo viên, chưa đảm bảo nên ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Đề nghị UBND tỉnh xem xét khi giao chỉ tiêu biên chế giáo viên cho huyện, bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.
Kết quả giải quyết:
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai có 714 trường mầm non, phổ thông công lập, có 11.688 lớp với 391.161 học sinh. Tổng số viên chức từ bậc mầm non đến phổ thông trong biên chế là: 19.040 người. Trong đó: cán bộ quản lý 1.770, giáo viên 16.040, nhân viên 1.230. Định mức giáo viên/lớp: ở bậc mầm non chỉ đạt 1,17 (quy định là 2,0); tiểu học chỉ đạt 1,19 (quy định là 1,5); THCS chỉ đạt 1,68 (quy định là 1,9); THPT chỉ đạt 1,93 (quy định là 2,25). Tổng số giáo viên thiếu trong năm học 2021-2022 là 3.721 giáo viên (chưa tính số 1.272 nhân viên còn thiếu, trong đó có 318 trường không có nhân viên kế toán).
Trước thực trạng nêu trên và xác định nhu cầu giáo viên cho năm học 2021-2022, UBND tỉnh đã có báo cáo và kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh Gia Lai theo định mức quy định tại các Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, để đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp và nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh (tại 2 Văn bản: Văn bản số 918/UBND-NC ngày 10-7-2021 và Tờ trình số 919/TT-UBND ngày 10-7-2021 của UBND tỉnh).
Tính từ năm 2015 đến năm 2021 tổng số học sinh đến trường ở các cấp học đã tăng 43.087 học sinh tăng 12,4% so với năm 2015 nhưng biên chế giáo viên không được Trung ương bổ sung nhưng tỉnh vẫn phải tiếp tục cắt giảm hàng năm theo yêu cầu của Trung ương (cụ thể trong 3 năm từ 2018 đến 2021, đã sáp nhập giảm 84 đầu mối trường học, đạt tỷ lệ giảm 10,3% đầu mối sự nghiệp của ngành Giáo dục, đã giảm đủ 10% biên chế sự nghiệp, trong đó sự nghiệp giáo dục đã giảm 2.300 biên chế) mặc dù UBND tỉnh đã thực hiện đồng bộ kiện toàn sắp xếp mạng lưới trường lớp, điều tiết thừa thiếu cục bộ, cắt chuyển biên chế sự nghiệp từ các khu vực khác sang nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu giáo viên ở mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học.
Đồng thời, trước tình trạng thiếu giáo viên của ngành Giáo dục, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có Báo cáo số 06/BC-ĐĐBQH ngày 8-10-2021 tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh gửi kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV xem xét, giải quyết.
Một tiết học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà
Một tiết học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà
* Riêng đối với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông có số lượng người làm việc được giao là 1.488. Tới thời điểm 30-11-2021, số viên chức có mặt là 1.408 (trong đó cán bộ quản lý 135, giáo viên 1.184, nhân viên 89). Như vậy, chỉ tiêu biên chế được giao chưa sử dụng là 80.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND huyện Chư Prông căn cứ chỉ tiêu biên chế được giao chưa sử dụng để tổ chức tuyển dụng giáo viên cho hết chỉ tiêu biên chế được giao hoặc hợp đồng giáo viên trong thời gian chờ tuyển dụng để phục vụ công tác giảng dạy theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại Văn bản số 5075/BNV-TCBC ngày 26-9-2020 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP.
Sau khi Trung ương giao bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh, trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ, UBND tỉnh triển khai giao bổ sung biên chế giáo viên cho các huyện nói chung và huyện Chư Prông nói riêng.
V- Cử tri huyện Kbang
Kiến nghị:
Thực hiện Công văn số 134/BDT-CSXH ngày 3-3-2020 của Ban Dân tộc tỉnh về việc nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo DTTS thuộc nguồn kinh phí chi đảm bảo xã hội năm 2020; huyện Kbang đã triển khai và tổng hợp đăng ký nhu cầu hỗ trợ bò sinh sản, giống, phân bón, muối Iốt cho hộ nghèo DTTS trên địa bàn về Ban Dân tộc tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký hỗ trợ bò giống sinh sản làm chuồng trại, đảm bảo điều kiện để chăn nuôi (đã có 53 hộ/117 hộ nghèo DTTS làm chuồng trại chăn nuôi). Tuy nhiên, ngày 14-10-2020 Ban Dân tộc tỉnh có Văn bản số 723/BDT-CSKH thông báo ý kiến của UBND tỉnh tại Văn bản số 2402/VP-KTTH ngày 20-7-2020; theo đó, UBND tỉnh chuyển nguồn kinh phí này sang thực hiện nhiệm vụ chi khác. Cử tri đề nghị UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh xem xét, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo DTTS đã đăng ký nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nguồn kinh phí chi đảm bảo xã hội năm 2020 nhất là các hộ đã đăng ký thực hiện làm chuồng trại nhưng chưa được hỗ trợ bò.
Kết quả giải quyết:
Năm 2020, việc hỗ trợ chính sách cho người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chấm dứt do văn bản đã hết hiệu lực thi hành. Do đó, để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, đồng thời thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, UBND tỉnh đã thực hiện chuyển nguồn kinh phí đã phân bổ đầu năm thực hiện chính sách đảm bảo xã hội sang thực hiện các nhiệm vụ khác. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc nghiên cứu, trong trường hợp tiếp tục thực hiện chính sách, Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi tổ chức triển khai thực hiện.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 17-10-2021 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có nội dung số 1, Tiểu dự án 2, Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Kbang (và các huyện liên quan) nghiên cứu nội dung Tiểu dự án để đưa các hộ trên vào đối tượng hỗ trợ cho phù hợp.
Ban Dân tộc đã có Công văn 156/BDT-CSKH ngày 22-2-2022 yêu cầu UBND các huyện rà soát, đăng ký danh mục, nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân huyện Kbang đã đăng ký nhu cầu thực hiện nội dung 1, Tiểu dự án 2, Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị) với kinh phí: 18.347,5 triệu đồng (kinh phí sự nghiệp: 11.250 triệu đồng; vốn tín dụng: 3.000 triệu đồng; nguồn huy động khác: 4.097,5 triệu đồng) để thực hiện 23 dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo phát triển sản xuất trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn 11 xã, thị trấn. Sau khi được phân bổ kinh phí, UBND huyện triển khai thực hiện theo đúng quy định.
GLO

Có thể bạn quan tâm