Kinh tế

Nông nghiệp

UBND tỉnh yêu cầu huyện Krông Pa xử lý dứt điểm các ổ dịch nghi mắc bệnh ung khí thán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp vừa ký ban hành Kế hoạch số 1538/UBND-NL về việc tăng cường triển khai các giải pháp phòng-chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT ngày 16-6-2023 về việc làm rõ tình hình bò chết nghi do ung khí thán trên địa bàn huyện Krông Pa do báo điện tử Gia Lai Online đưa tin, từ ngày 20-5 đến 14-6, trên địa bàn huyện Krông Pa phát hiện 60 con bò chết rải rác tại 43 hộ dân/16 thôn/7 xã (Phú Cần, Đất Bằng, Chư Gu, Chư Rcăm, Ia Rsai, Uar, Ia Hdreh). Số bò chết trên phần lớn đã được người dân tự tiêu hủy hoặc mổ thịt rồi mới báo chính quyền địa phương, chưa được cơ quan thú y kiểm tra thực tế; do đó, không xác định được triệu chứng, bệnh tích cụ thể để chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây bệnh. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa đã kiểm tra thực tế 1 xác bê chết được giữ lại và phát hiện có triệu chứng điển hình của bệnh ung khí thán, tuy nhiên đơn vị không tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Bò của người dân trên địa bàn huyện Krông Pa chết nghi do bệnh ung khí thán. Ảnh: Lê Nam

Bò của người dân trên địa bàn huyện Krông Pa chết nghi do bệnh ung khí thán. Ảnh: Lê Nam

Trước tình hình trên, để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm xảy ra và lây lan diện rộng, UBND tỉnh yêu cầu huyện Krông Pa tập trung huy động các nguồn lực để triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch nghi mắc bệnh ung khí thán trên địa bàn, không để lây lan diện rộng. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện nghiêm việc tổ chức lấy mẫu, xác định nguyên nhân gây bệnh theo đúng quy định; tổng hợp, báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh, kết quả công tác tổ chức phòng-chống dịch và nhận định tình hình về UBND huyện và Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch nghi mắc bệnh Ung khí thán.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn và UBND cấp xã chủ động tăng cường giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là tại các khu vực từng có vật nuôi mắc bệnh, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ổ dịch khi mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Triển khai thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định. Chỉ đạo bố trí đủ nhân viên thú y cấp xã, đảm bảo cho công tác giám sát, xử lý dịch bệnh động vật tại địa phương.

Khẩn trương, chủ động bố trí kinh phí, triển khai Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 7-11-2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2023, chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản thuộc địa bàn quản lý.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi; tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nhận biết và khai báo dịch bệnh động vật theo quy định.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong công tác phòng-chống dịch bệnh động vật; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh những địa phương còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng-chống dịch bệnh động vật để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Sở cũng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường phối hợp trong việc nắm bắt thông tin, giám sát tình hình dịch bệnh, không để bị động khi có dịch bệnh động vật xảy ra. Thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin, đánh giá diễn biến, nhận định tình hình dịch bệnh, tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai các giải pháp phòng-chống dịch phù hợp, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm