Mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam cần được đa dạng trong các thị trường xuất khẩu để gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế.
Măng tây được trồng ở nhiều tỉnh miền Trung. Ảnh: Thiện Nhân
Thương vụ Việt Nam tại Úc (Bộ Công thương) cho biết sau khi làm việc với các nhà nhập khẩu tại Úc, Thương vụ cho thấy măng tây tươi là mặt hàng phù hợp, có giá trị cao và có thể xuất khẩu ngay mà không phải đàm phán mở cửa. Úc là quốc gia nhập khẩu nhiều măng tây nhưng chủ yếu từ Mexico và Peru. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu măng tây vào Úc đạt gần 18 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay măng tây Việt Nam không có mặt tại thị trường Úc.
Hiện tại trong nước, măng tây được trồng ở nhiều vùng như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Hà Nội...
Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết măng tây xuất khẩu vào Úc không phải xin giấy phép nhập khẩu nhưng các lô hàng sẽ bị kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện về an toàn sinh học theo quy định của nước sở tại. Quan trọng nhất không được nhiễm bọ trĩ (Thripidae)… Việc đa dạng hóa nông sản xuất khẩu sẽ giúp bà con nông dân bớt tập trung sản xuất quá lớn vào một số mặt hàng dẫn đến nhiều rủi ro khi có biến động. Nếu măng tây Việt Nam xây dựng được thương hiệu tại Úc, sẽ mở ra cơ hội to lớn về một ngành hàng nông sản nhiều triển vọng trên thị trường thế giới.
Tương tự, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết hiện nay doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm Á châu tại nước sở tại đang cần mua các mặt hàng của Việt Nam gồm mì ăn liền tôm chua cay; bún bò Huế khô loại 1,9 mm, bánh hỏi khô, hủ tiếu dai loại 3 mm, mì hoành thánh khô; xoài sấy, chanh muối, cóc chua ngọt; cà pháo ngâm muối ớt, bánh tráng vừng đen, măng tươi, đậu đỏ hạt nhỏ, đậu trắng, bánh xốp trà xanh…
Hay có doanh nghiệp tại Thụy Điển cũng cần nhập khẩu nước cốt dừa và tương ớt ngọt. Các doanh nghiệp có thể liên hệ thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển để được kết nối, trong đó ưu tiên các đơn vị đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ.
An Yến (Thanh Niên)