Úc từ chối 1/4 đơn visa du học của người Việt, xét tối đa trong 4 tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thông tin trên được đại diện bộ phận xét duyệt visa du học của chính phủ đưa ra trong bối cảnh Úc liên tục ban hành các chính sách nghiêm ngặt như tăng yêu cầu chứng minh tài chính, trình độ tiếng Anh và lệ phí.
Việt Nam xếp thứ 6 về số lượng đơn xin visa du học trong năm tài khóa 2023-2024, theo cán bộ Bộ Nội vụ Úc. ẢNH: NGỌC LONG

Việt Nam xếp thứ 6 về số lượng đơn xin visa du học trong năm tài khóa 2023-2024, theo cán bộ Bộ Nội vụ Úc. ẢNH: NGỌC LONG

Tăng tỷ lệ từ chối cấp visa du học

Chính quyền bang New South Wales (Úc) ngày 14.6 tổ chức triển lãm du học bang New South Wales, thu hút hơn 1.000 phụ huynh, học sinh tham dự ở TP.HCM. Phát biểu tại sự kiện, bà Katherine Tranter, cán bộ cao cấp về di trú tại Bộ Nội vụ Úc, thông tin tỷ lệ cấp đơn xin visa du học ở Việt Nam trong năm tài khóa 2023-2024 là 76%, giảm 15% so với năm trước đó.

Theo bà Tranter, có 6 lý do phổ biến khiến bộ phận xét duyệt từ chối cấp visa cho đương đơn, gồm hồ sơ không hoàn chỉnh, không phản hồi yêu cầu cung cấp thêm thông tin, ý định du học không trung thực, giấy tờ gian lận, trình độ tiếng Anh không đủ, không đủ tài chính để trang trải việc học tập, sinh hoạt. "Ưu tiên xử lý visa du học hiện vẫn đang tuân theo Chỉ thị 107 của Bộ Nội vụ", bà Tranter cho hay.

"Quan trọng nhất là mỗi hồ sơ xin visa du học đều được xem xét riêng biệt, dựa trên tất cả thông tin mà đương đơn cung cấp, tức mỗi hồ sơ được xem xét dựa trên đặc điểm và hoàn cảnh riêng của từng đương đơn. Chúng tôi có thể ra quyết định ngay và không cần yêu cầu bạn cung cấp thêm thông tin nên hãy đảm bảo hồ sơ hoàn chỉnh từ đầu", nữ cán bộ cao cấp nhận định.

Một dữ liệu khác bà Tranter đưa ra là thời gian trung bình để xử lý đơn xin visa du học Úc trên toàn cầu ở thời điểm hiện tại là 50 ngày. Riêng ở ngành giáo dục ĐH, thời gian xét duyệt 90% số đơn tính theo tháng, tối đa là 4 tháng. Thời gian xử lý phụ thuộc nhiều yếu tố, như chất lượng và sự hoàn thiện của hồ sơ, quá trình phản hồi từ đương đơn hay số lượng đơn nộp vào thời điểm đó...

Bà Katherine Tranter, cán bộ cao cấp về di trú tại Bộ Nội vụ Úc, chia sẻ những điều cần lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ xin visa du học Úc. ẢNH: NGỌC LONG

Bà Katherine Tranter, cán bộ cao cấp về di trú tại Bộ Nội vụ Úc, chia sẻ những điều cần lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ xin visa du học Úc. ẢNH: NGỌC LONG

Bà Tranter cũng lưu ý địa điểm xử lý đơn xin visa không hề ảnh hưởng đến việc ra quyết định, vì tất cả đơn trong cùng một chương trình, ví dụ như visa du học, đều được đánh giá theo cùng một tiêu chí. Đồng nghĩa, không có chuyện bạn đến thành phố hay quốc gia khác thì sẽ được xét duyệt nhanh hơn. "Bạn có thể tìm hiểu cách chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, chính xác trên trang web 'Check Twice, Submit Once' của Bộ Nội vụ Úc", bà Tranter thông tin.

Với visa du học, sinh viên quốc tế có thể tham gia khóa học tại Úc, được xuất nhập cảnh vào Úc và làm thêm tối đa 48 giờ mỗi hai tuần khi đang học hoặc thực tập, miễn là khóa học đang diễn ra. "Nếu có bất kỳ thay đổi nào khi bạn đang có visa du học, bạn cần phải thông báo cho chúng tôi, như thay đổi thông tin liên lạc, hộ chiếu, tình trạng hôn nhân, các thỏa thuận phúc lợi hay chuyển sang khóa học khác", bà Tranter nói.

Du học sinh Việt cần lưu tâm gì?

Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở ngành giáo dục quốc tế tại Úc và hiện là Giám đốc Tổ chức hướng nghiệp và kỹ năng Q Education (TP.HCM), khuyên du học sinh Việt nên chuẩn bị nộp hồ sơ xin học và xin visa du học trước 4 - 6 tháng so với ngày dự định nhập học. Bởi, ngoài visa du học, các bạn còn phải quan tâm đến những yếu tố khác như vé máy bay, nhà ở...

Theo ông Quang, việc chuẩn bị cho hành trình du học Úc trong bối cảnh hiện tại đòi hỏi các bạn phải có kế hoạch kỹ lưỡng, cẩn thận hơn trước, nhất là khi chính phủ Úc ngày càng nghiêm ngặt trong việc cấp visa du học. Một trong những điều cần lưu tâm là chọn trường và ngành học phù hợp với khả năng, sở thích, bởi điều này có thể giúp bạn tăng cơ hội được cấp visa du học.

Học sinh Việt tìm hiểu về cơ hội du học Úc tại trường SP Jain School of Global Management. ẢNH: NGỌC LONG

Học sinh Việt tìm hiểu về cơ hội du học Úc tại trường SP Jain School of Global Management. ẢNH: NGỌC LONG

Việc chứng minh tài chính cũng là một bước quan trọng, và học sinh cần đảm bảo rằng mình có đủ khả năng chi trả học phí và sinh hoạt phí trong suốt thời gian học tập tại Úc. Các bạn cũng nên đạt điểm cao trong những kỳ thi tiếng Anh quốc tế như IELTS để tăng cơ hội đậu visa du học, đồng thời giúp bạn vào thẳng chương trình cử nhân, không cần trải qua khóa tiếng Anh học thuật tiền ĐH.

"Ngoài ra, các bạn cũng cần tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống tại Úc để dễ dàng hòa nhập và tận hưởng thời gian học tập tại đây, cũng như sớm tìm được công việc bán thời gian. Cuối cùng, hãy tìm đến đơn vị tư vấn uy tín để có thông tin cập nhật nhất khi chuẩn bị hồ sơ xin học và xin visa. Ngoài ra, hãy tìm hiểu xem họ có hỗ trợ gì thêm khác sau khi bạn đến Úc, như có nhân viên hoặc văn phòng tại Úc hay không", tiến sĩ Quang khuyên.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, đến tháng 5.2024, có 704.931 sinh viên quốc tế theo học các khóa ở Úc. Trong đó, Việt Nam có 33.765 người, xếp thứ 5. Tại các trường hàng đầu, số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide, hay nằm trong top 10 về số du học sinh ở ĐH Queensland...

Bản tường trình sinh viên chân chính (GS)

Hồi tháng 3, Bộ Nội vụ Úc đã thay thế yêu cầu nộp đơn xin du học bằng bản tường trình sinh viên chân chính (GS). Trong đó, du học sinh Việt phải trả lời các câu hỏi gồm chi tiết về hoàn cảnh hiện tại (mối ràng buộc với gia đình, cộng đồng, việc làm và hoàn cảnh kinh tế); giải thích lý do chọn khóa học và chọn học tại Úc; những lợi ích mà khóa học mang lại cho tương lai của đương đơn.

Bản tường trình nêu trên phải kèm theo các giấy tờ hỗ trợ chứng minh điều mình đã nêu như giấy tờ nhân thân, giấy xác nhận ghi danh (CoE) do trường gửi về, chứng minh đã đăng ký bảo hiểm y tế cho sinh viên quốc tế tại Úc, hỗ trợ thị thực, bản dịch tiếng Anh. Ngoài ra, đương đơn cũng cần chứng minh tài chính với mức cụ thể phụ thuộc vào việc đi một mình hay đi cùng nhân thân.

Theo Ngọc Long (TNO)

Có thể bạn quan tâm