Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Ứng Lăng - kiệt tác từ cuộc chơi ngông của vua Khải Định

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mặc dù bị người đời chê bai, lên án dưới nhiều góc độ khác nhau, song Ứng Lăng - nơi yên nghỉ cuối cùng của Khải Định (trị vì năm 1916-1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn - đích thực là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Thậm chí, lăng còn được đánh giá là một kiệt tác về nghệ thuật khảm sành sứ cung đình Huế, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế nói riêng và di sản Huế nói chung.

 

Nhà bia hình bát giác với những hàng cột và vòm cửa theo lối kiến trúc Roman biến thể. Ảnh: Thái Hoàng
Nhà bia hình bát giác với những hàng cột và vòm cửa theo lối kiến trúc Roman biến thể. Ảnh: Thái Hoàng

 

Trong số 13 đời vua nhà Nguyễn có lẽ Khải Định là vị vua nhiều điều tiếng nhất. Khải Định bị xem là ông vua bù nhìn, nhu nhược trước thực dân Pháp tới mức trong dân gian xứ Huế lúc bấy giờ còn truyền miệng câu vè châm biếm chua cay rằng: “Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây, Nghề này thì lấy ông này tiên sư”. Không những thế Khải Định còn nổi tiếng là ông vua ăn chơi, cờ bạc, tiêu pha xa xỉ, và đặc biệt là có sở thích ăn mặc lai căng, diêm dúa, lòe loẹt chẳng giống ai, một ông vua như lời linh mục Léopold Cadière mô tả là: “Mặc complet bên trong khoác long bào bên ngoài, ngực lấp lánh Bắc đẩu Bội tinh, thắt lưng gắn bóng đèn điện chớp đỏ”. Tính cách ấy của vua Khải Định phần nào cũng đã thể hiện khá rõ trên những công trình kiến trúc quan trọng của cuộc đời ông.


 

Tổng thể có 127 bậc cấp dẫn lối lên điện chính. Ảnh: Thái Hoàng
Tổng thể có 127 bậc cấp dẫn lối lên điện chính. Ảnh: Thái Hoàng


Khải Định lên ngôi đúng vào buổi suy tàn của thời kì phong kiến nhưng lại ra sức xây dựng nhiều cung điện, dinh thự, lăng tẩm xa hoa, tráng lệ để phục vụ cho bản thân và hoàng tộc như: Điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức và đặc biệt là Ứng Lăng. Việc xây dựng những công trình hao người tốn của này đã khiến cho dân chúng oán trách, xã hội lên án, song xét về mặt lịch sử thì chúng là những công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

 

Tam quan dẫn lối lên sân chầu Ứng Lăng. Ảnh: Thái Hoàng
Tam quan dẫn lối lên sân chầu Ứng Lăng. Ảnh: Thái Hoàng



1. Trong số các công trình kiến trúc mà vua Khải Định cho xây dựng, Ứng Lăng được xem là công trình có giá trị nghệ thuật đặc biệt và cũng chính là công trình có nhiều điều tiếng, gây tranh cãi hơn cả. Điều tiếng đầu tiên chính là việc để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã cho tăng thuế ruộng đất trên cả nước lên tới 30%, hành động này không những bị dân chúng oán thán mà lịch sử cũng lên án gay gắt.

Ứng Lăng hay thường gọi là lăng Khải Định được khởi công vào ngày 4.9.1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn thành. Lăng nằm trên núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê), bên ngoài kinh thành Huế, nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Núi Châu Chữ sau được vua đổi tên thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi, vì thế lăng mới có tên là: Ứng Lăng.



 

 Án thờ vua Khải định được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm của điện Khải Thành. Ảnh: Thái Hoàng
Án thờ vua Khải định được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm của điện Khải Thành. Ảnh: Thái Hoàng



So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích nhỏ hơn nhiều, chỉ 117mx48,5m, nhưng được xây dựng công phu và tốn nhiều thời gian, tiền của hơn. Phía trước lăng có quả đồi thấp làm tiền án, hai bên tả hữu có núi Chóp Vung và Kim Sơn làm “tả thanh long” và “hữu bạch hổ”, lại có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Nhìn tổng thể, Ứng Lăng tọa lạc ở vị thế có phong cảnh núi non hữu tình lại vừa mang cái vẻ bề thế, uy nghi đúng như sở nguyện của vị vua đa tính cách này.

Để xây dựng nơi yên nghỉ cuối cùng của mình, vua Khải Định đã giao cho Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá làm chỉ huy, trưng tập nhiều thợ giỏi và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước về Huế như: Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng... Không những thế, ông còn cho người sang tận Pháp đặt mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise... và cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu... về để làm.



 

Toàn cảnh nơi đặt tượng và thi hài nhà vua toát lên vẻ đẹp tráng lệ nhờ hiệu ứng ánh sáng độc đáo của nghệ thuật khảm sành sứ. Ảnh: Thái Hoàng
Toàn cảnh nơi đặt tượng và thi hài nhà vua toát lên vẻ đẹp tráng lệ nhờ hiệu ứng ánh sáng độc đáo của nghệ thuật khảm sành sứ. Ảnh: Thái Hoàng


Việc xây dựng Ứng Lăng nếu chỉ nhìn ở mức độ công phu, tốn kém thì xem ra đời vua nào cũng vậy. Tuy nhiên, điều khiến cho công trình này chịu nhiều điều tiếng khen chê, tranh cãi trái chiều chính là phong cách kiến trúc của nó. Thậm chí, giới nghiên cứu về văn hóa, kiến trúc, lịch sử nhiều người còn đặt lăng Khải Định ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi họ cho rằng nó quá mới, quá lạ, thậm chí là lạc lõng so với phong cách kiến trúc cung đình Huế vốn luôn coi trọng những nguyên tắc, thể thức, lề lối quy chuẩn bắt buộc của hoàng gia. Có người còn cho đó là sự lai căng, kệch cỡm, lố bịch thể hiện cá tính ngông nghênh cũng như sở thích kỳ quặc của vua Khải Định. Tuy nhiên, có một sự thật ai cũng phải thừa nhận, đó là lăng Khải Định mang một vẻ đẹp độc đáo, mới lạ khiến cho người xem có cảm giác choáng ngợp trước vẻ quy mô và sự bề thế của nó.

 

Sự kết hợp khá lạ mắt giữa hàng tượng đá với trụ biểu mang dấu ấn kiến trúc Ấn Độ. Lăng Khải Định có tổng thể 24 pho tượng đá hình quan văn, quan võ, lính hầu, voi, ngựa được tạo tác tinh xảo. Ảnh: Thái Hoàng
Sự kết hợp khá lạ mắt giữa hàng tượng đá với trụ biểu mang dấu ấn kiến trúc Ấn Độ. Lăng Khải Định có tổng thể 24 pho tượng đá hình quan văn, quan võ, lính hầu, voi, ngựa được tạo tác tinh xảo. Ảnh: Thái Hoàng



Nhìn toàn cảnh, lăng Khải Định có một cái gì đó vừa quen, vừa lạ. Quen vì lăng cũng có đôi hàng tượng đá voi ngựa, quan văn, quan võ, lính hầu đứng chầu, cũng có thềm đá bệ rồng, có tam quan, cửa võng... Nhưng lạ vì khối nhà chính lại có hình dáng như một tòa dinh thự Pháp cùng với những tháp bê tông cao vút trông như các tháp đền ở Ấn Độ...

2. Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, kiến trúc, Ứng Lăng có sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc khác nhau như: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... Điều đó thể hiện rõ trên những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ, trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo, những hàng cột và vòm cửa theo lối Roman biến thể... Điều này cho thấy, đây là kết quả của yếu tố giao thoa văn hóa Đông - Tây trong buổi giao thời lúc bấy giờ, cũng như cá tính hiếu kỳ, diêm dúa, ưa sao chép, bắt chước những thứ mới lạ của vua Khải Định. Nhưng may mắn rằng, mặc cho vua Khải Định có ý tưởng mong muốn ôm đồm, nhào lộn tất cả thứ mới lạ của Đông Tây, kim cổ thành “ngôi nhà vĩnh cửu” theo sở thích riêng của mình thì những người thợ tài danh xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung bằng tài năng, trí tuệ và sự tinh tế đã khéo léo biến ý tưởng có phần điên rồ ấy thành một tuyệt tác nghệ thuật để lại cho muôn đời sau.



 

 Toàn bộ cột rồng, cửa vòm, phào, chỉ... bên trong nội điện đều được khảm sành sứ và thủy tinh màu. Ảnh: Thái Hoàng
Toàn bộ cột rồng, cửa vòm, phào, chỉ... bên trong nội điện đều được khảm sành sứ và thủy tinh màu. Ảnh: Thái Hoàng



Bên cạnh yếu tố mới lạ và độc đáo đến từ sự giao thoa văn hóa, kiến trúc Đông - Tây, giá trị lớn nhất đưa Ứng Lăng đạt đến tầm kiệt tác nghệ thuật chính là nghệ thuật khảm sành sứ và thủy tinh màu.

Nghề khảm sành sứ có ở Huế vào khoảng thế kỉ XVII, ban đầu lưu truyền trong dân gian, sau mới được ứng dụng nhiều trong kiến trúc cung đình. Theo TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nghệ thuật khảm sành sứ rất nổi tiếng trong trang trí kiến trúc cung đình Huế, đặc biệt là thời Nguyễn, nổi bật nhất là giai đoạn cuối thế kỉ 19 đầu thế kỷ 20.

Thời kỳ này, nhiều công trình kiến trúc cung đình ở Huế đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ, tiêu biểu như: Điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, Thái Bình lâu, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, cung An Định... nhưng độc đáo và xứng đáng được xếp vào hàng kiệt tác thì chính là lăng Khải Định.

Nếu như phần ngoại thất được trang trí bằng những hoa văn, họa tiết hình rồng, phượng, chim muông, hoa lá... đắp nổi bằng xi măng trên tông màu trắng chủ đạo thì bên trong nội điện lại là một thế giới khác. Ở đó, nghệ thuật khảm sành sứ và hội họa được phô diễn đạt đến trình độ điêu luyện, tuyệt mĩ có một không hai.

Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xứ Huế, những mảnh sành sứ, thủy tinh màu lấy từ các loại chén, bát, độc bình, chai lọ... được cắt gọt cẩn thận rồi tỉ mỉ ghép thành những bức tranh, phù điêu, hình chim, hoa, muông thú... tuyệt đẹp theo các điển tích Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo, và cả mô típ dân gian. Điều thú vị là tuy được khảm bằng chất liệu cứng là sành sứ và thủy tinh nhưng nhờ kĩ thuật phối màu tài tình dựa trên các tông màu chính gồm trắng, vàng, nâu, xanh lam, xanh lục, tía nên các mảng khối trang trí trông rất mềm mại, sống động như những bức họa màu.



 

 
 
 
Lăng Khải Định được đánh giá là kiệt tác của nghệ thuật khảm sành sứ cung đình Huế. Trong ảnh: Tranh khảm sành sứ trang trí ở Ứng Lăng. Ảnh: Thái Hoàng
Lăng Khải Định được đánh giá là kiệt tác của nghệ thuật khảm sành sứ cung đình Huế. Trong ảnh: Tranh khảm sành sứ trang trí ở Ứng Lăng. Ảnh: Thái Hoàng



Ngoài án thờ lớn được khảm hoàn toàn bằng sành sứ, bên trong lăng còn có chiếc bửu tán che bên trên pho tượng đồng của vua Khải Định chính là một kiệt tác nghệ thuật khảm sành. Toàn bộ chiếc bửu tán là một khối bê tông cốt thép nặng gần 1 tấn nhưng nghệ thuật khảm sành sứ tuyệt mĩ đã khiến cho người xem có cảm giác như nó được làm bằng nhung lụa với những đường uốn lượn mềm mại, thanh thoát và sinh động trông như có thể lay động được trước gió. Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của vua Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920, và dưới đế tượng chính là nơi đặt thi hài nhà vua.

Trải qua tròn 100 năm, lăng Khải Định nay vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống trang trí khảm sành sứ bên trong nội điện nay vẫn đẹp lung linh huyền ảo như cách đây một thế kỉ khiến cho du khách không khỏi ngạc nhiên, thán phục trước biệt tài của các nghệ nhân khảm sành cung đình Huế.

 

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ung-lang-kiet-tac-tu-cuoc-choi-ngong-cua-vua-khai-dinh-815481.ldo

Theo Thái Hoàng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm