Sống trẻ - Sống đẹp

Uớc muốn của trẻ thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Điều gì khiến cho em thích nhất và ghét nhất, vui nhất và buồn nhất? Đem câu hỏi này cho một số học sinh, chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời vừa ngộ nghĩnh nhưng có những “tâm tư” đáng để người lớn suy ngẫm.

Nghỉ hè mà vẫn phải đi học thêm là điều hầu hết các em cho rằng ghét nhất. Thế nhưng, nhiều em vẫn phải miễn cưỡng chấp nhận đi học thêm theo sự áp đặt của cha mẹ như một nhiệm vụ. Em Đào Đạt Đông (lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, TP. Pleiku) chia sẻ hồn nhiên: “Em chỉ mới nghỉ hè mấy hôm nay nhưng ngày nào cũng bị nhắc nhở chuyện học hành. Lúc thì đi học thêm, lúc phải học ở nhà, đang đi chơi với các anh chị trong xóm cũng bị ba mẹ gọi về bắt học”. Đông nói ước mơ của em là trở thành một kiến trúc sư và sẽ cố gắng học thật giỏi để biến ước mơ này thành hiện thực. Nhưng cách cha mẹ suốt ngày bắt học hành, ngay cả lúc em đang nghỉ hè, đang vui chơi khiến em không thể vui. “Em không thích chút nào và rất khó tập trung mỗi lần bị bắt phải học như vậy”-Đông nói.

 

Hầu hết trẻ em đều mong muốn được nghỉ ngơi, vui chơi trong dịp hè. Ảnh: internet
Hầu hết trẻ em đều mong muốn được nghỉ ngơi, vui chơi trong dịp hè. Ảnh: internet

Bên cạnh những điều không thích, nhiều em lại có những yêu thích rất giản dị như giảm cân, được ba mẹ tặng quà, được đi bơi trong dịp hè... Em Nguyễn Quốc Huy (lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) cho biết, ước mơ của em là trở thành phi công để được bay lượn trên bầu trời. “Nhưng em ước mình giảm cân nhanh hơn vì hiện tại em mập gần nhất lớp. Muốn làm phi công thì phải thật cao, khỏe mạnh và không được béo phì”-Huy nói hồn nhiên.

Ước muốn của em Lê Ngô Đức Duy (lớp 2, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Pleiku) lại khiến người lớn phải suy ngẫm: “Em có một ước muốn là ba đừng nhậu nữa và đừng cãi nhau với mẹ. Mỗi lần ba mẹ cãi nhau, em sợ lắm. Đó cũng là điều khiến em buồn nhất”. Mới đây, mẹ đưa Duy vào TP. Hồ Chí Minh để điều trị bệnh tim, bác sĩ nói chính những tổn thương tâm lý do cha mẹ gây nên ảnh hưởng rất lớn đến bệnh tim của em.

Bị bệnh tim bẩm sinh và một số bệnh khác nữa nhưng Duy vẫn là học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ước mơ của cậu bé hiếu học này rất giản dị nhưng lại khiến người ta nhói lòng: “Món đồ chơi em thích nhất là chiến xa thần thú. Ngày Tết Thiếu nhi nào em cũng ước được tặng món quà đó mà không được. Em nói với ba nhưng mấy lần chở đi mà ba vẫn chưa mua được”.

Em Đào Thanh Ngọc (lớp 3, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản) cũng có mong ước rất giản dị: “Em chỉ ước mẹ được nghỉ nguyên ngày chủ nhật để em có thể ở bên cạnh mẹ trọn vẹn một ngày”. Mẹ Ngọc làm nghề giúp việc và chỉ được nghỉ một buổi chiều chủ nhật. Và đó là khoảng thời gian Ngọc vui sướng, hạnh phúc nhất. Em chia sẻ: “Em thường nấu ăn với ba. Ba là người dạy em chiên trứng, chiên chả ram, nấu canh, kho thịt. Ngày 1-6, em không cần có quà, em chỉ thích mẹ được nghỉ để cả nhà nấu ăn cùng nhau. Ngoài ra, mùa hè em thích được đi bơi và rất sợ phải đi học thêm”.

Còn nhiều ước muốn và những tâm tư rất người lớn của trẻ mà nếu cha mẹ các em chịu khó lắng nghe sẽ tránh được những ảnh hưởng, tổn thương tâm lý cho con, để biết điều gì làm con vui sướng. Hôm nay là Ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhớ về ngày Tết Thiếu nhi gần 70 năm trước (1-6-1950), trong thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ viết đầy yêu thương: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng”. Lịch sử đã sang trang, trẻ em bây giờ đã có được cuộc sống đủ đầy hơn. Nhưng những gì của hôm nay sẽ là ký ức của ngày mai. Một tuổi thơ đẹp, được học hành, vui chơi chỉ có thể có được từ sự bồi đắp tình cảm của gia đình, xã hội. Mà điều đó, nhất định cần sự lắng nghe, thay đổi của người lớn trong cách giáo dục, ứng xử, cách dành thời gian cho con, bên con mỗi ngày.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm