Kinh tế

Giá cả thị trường

Ưu đãi điện gió bay... theo gió?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là quốc gia nhiều nắng và gió, được đánh giá có nhiều tiềm năng cực lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh việc khuyến khích, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển năng lượng tái tạo.
 
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng để phát triển điện gió.
Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển điện gió, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế đối với các dự án điện gió, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... Trước nhiều chính sách ưu đãi trên, trong những năm qua, hàng trăm dự án điện gió đã được đăng kí, nhưng thực tế, số dự án được triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí nhiều nhà đầu tư sau khi đăng ký đã bán dự án cho các công ty nước ngoài.
Ngày 28/2/2019 Công ty năng lượng Thái Lan Super Energy Corporation (SUPER), trước đây gọi là Superblock, cho biết đã ký một thỏa thuận mua hai nhà máy điện gió ở Việt Nam (2 dự án HBRE PHÚ YÊN và HBRE GIA LAI - có công suất kết hợp 250 MW) với giá 577 triệu baht (18,31 triệu USD).
SUPER thực hiện giao dịch thông qua hai công ty con Super Wind Energy và Super Energy Group. Theo tiết lộ của công ty về Sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan, “Việt Nam có tiềm năng cao để phát triển năng lượng tái tạo nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ, bao gồm các ưu đãi về thuế và lợi ích của việc tiếp cận nguồn vốn. Chúng tôi hy vọng rằng cả hai dự án sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng cường doanh thu của chúng tôi trong thời gian dài”, Chủ tịch của SUPER Jormsup Lochaya nói.
Công ty cho biết, họ sẽ sử dụng vốn lưu động để tài trợ cho cả hai thương vụ mua lại. Hiện tại, cả 2 dự án đang trong quá trình đảm bảo giấy phép từ các cơ quan nhà nước Việt Nam. Trước đó, SUPER đã đầu tư vào các nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam với tổng công suất 236,72 MW. Nó có kế hoạch bắt đầu hoạt động của một trang trại năng lượng mặt trời vào tháng 6 và đang nhắm mục tiêu doanh thu đồng hồ trong nửa cuối năm nay
Trước đó, các nhà đầu tư Thái Lan cũng đã mua lại cổ phần của nhiều dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Tập đoàn năng lượng Gulf Energy Development thông báo đã ký hợp đồng với Công ty Năng lượng Xanh để phát triển dự án điện mặt trời tại tỉnh Tây Ninh. Dự án nằm tại huyện Trảng Bàng có công suất thiết kế 48 MW và tổng giá trị đầu tư 66 triệu USD. Theo hợp đồng mua bán, Công ty Năng lượng Xanh sẽ chiếm 51% tổng giá trị và phần còn lại sẽ được sở hữu bởi công ty năng lượng Thái Lan.
Không bàn đến năng lực, mục đích chuyển nhượng dự án của các nhà đầu tư nói trên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc một số chủ đầu tư trong nước chuyển nhượng dự án điện gió cho các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ làm lãng phí nguồn lực của nhà nước khi mà hiện có quá nhiều chính sách ưu đãi đối với dự án điện gió, điện mặt trời.
Các chuyên gia khuyến cáo, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng hơn năng lực của các nhà đầu tư khi phê duyệt dự án, tránh đầu tư vào điện gió trở thành phong trào ảo, tính thực tiễn không cao. Đồng thời, tránh hiện tượng các nhà đầu tư kém năng lực chiếm dự án; kiên quyết thu hồi dự án của những nhà đầu tư ảo, không có năng lực triển khai; chờ cơ hội chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác…
Đức Anh (Dân Sinh)

Có thể bạn quan tâm