(GLO)- Vụ mùa là vụ sản xuất chính trong năm của nông dân các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai. Bởi vậy, việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết mùa mưa bão là một trong những điểm được ngành chuyên môn và nông dân đặc biệt lưu tâm.
Theo kế hoạch vụ mùa 2016, nông dân trên địa bàn thị xã An Khê sẽ tiến hành gieo trồng khoảng 864 ha lúa vụ mùa (trong đó có 428 ha lúa hai vụ và 436 ha lúa một vụ), 1.170 ha mì, 1.150 ha mì trồng mới, 93 ha bắp… “Thông thường, vụ mùa sẽ ít chịu áp lực khô hạn như vụ Đông Xuân. Điều kiện thời tiết thuận lợi hơn do thời điểm sản xuất diễn ra trùng vào mùa mưa nhưng lại phải đối mặt với nguy cơ có mưa lớn, bão; đồng thời dịch bệnh phát sinh, gây hại nhiều. Do đó, chúng tôi khuyến cáo bà con ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, thân cây cứng cáp chống đổ ngã khi có mưa gió lớn, thời gian sinh trưởng ngắn…”-ông Phan Vĩnh Tấn-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT thị xã An Khê cho biết.
Máy làm cỏ mía trên cánh đồng mía mẫu lớn tại Đak Pơ. Ảnh: L.H |
Cụ thể, riêng với cây lúa, để đảm bảo các tiêu chí thích nghi với điều kiện thời tiết đặc trưng mùa mưa bão, nông dân ưu tiên sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, ít ngã đổ như: DV108, Khang Dân 18 và một số giống lúa lai có phẩm chất cao khác. “Năng suất lúa vụ mùa trên địa bàn thường đạt 5,5-6 tấn/ha, được trồng phổ biến ở các xã: Cửu An, Song An, Thành An, Tú An... Cây lúa vụ mùa thường đối mặt với những nguy cơ giảm năng suất: ngã đổ do thời tiết, chuột hay sâu bệnh gây phá, chu kỳ sinh trưởng kéo dài nên thời điểm thu hoạch trùng với mùa mưa bão dễ bị thiệt hại… Vậy nên, công tác chọn giống và đề phòng dịch bệnh được quan tâm hàng đầu”-ông Tấn cho biết thêm.
Bên cạnh cây lúa, mía và mì được xác định là 2 loại cây trồng chủ lực của địa phương. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân trên địa bàn ưu tiên lựa chọn canh tác các giống mía như: K8892, K9584, LK9211, K8865… đưa vào trồng thay cho các giống mía phổ biến trước đây như: F157, F159… “Các giống mía F157, F159 thường có tỷ lệ sâu bệnh gây hại phát sinh cao, đặc biệt là bệnh than đen và xén tóc. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con hạn chế sản xuất các giống trên để đạt hiệu quả sản xuất cao hơn trên đồng ruộng”-ông Tấn nói. Ngoài ra, với cây mì, các giống được ngành chuyên môn địa phương định hướng cho nông dân đưa vào trồng là: KM94, KM140, KM98-5… Được biết, thị xã An Khê đang có kế hoạch phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng Hưng Lộc (Đồng Nai) triển khai trồng thí điểm 15 ha mì thuộc các giống: KM140, KM419, HL-S10 và SL-S11 tại 30 hộ dân ở xã Cửu An. Đây là những giống mì ngoài cho năng suất, chất lượng cao còn có khả năng kháng được bệnh chổi rồng.
Tại huyện Đak Pơ, vụ mùa năm 2016, toàn huyện sẽ gieo trồng khoảng 15.560 ha, trong đó cây lúa khoảng 1.100 ha. “Về cơ cấu giống, chúng tôi khuyến cáo bà con ưu tiên chọn các giống lúa như: DV108, Ma Lâm 48, Q5, HT1, OM4900, OM6976. Đây là những giống lúa có ưu điểm là thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, cho năng suất và chất lượng tốt. Bên cạnh đó, với bắp lai bà con nên sử dụng các giống như: Biocid 9698, CB888, LVN10…; mì có KM94 hay mía là các giống KM9584, LK9211, K95-156…”-ông Đoàn Minh Duy-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ chia sẻ.
Bên cạnh lựa chọn cơ cấu giống cây trồng phù hợp, vấn đề phòng-chống sâu bệnh gây hại trong vụ cũng được ngành chuyên môn và nông dân đặc biệt lưu tâm bởi điều kiện thời tiết mưa nắng xen kẽ rất thích hợp cho các loại sâu bệnh gây hại sinh sôi và phát triển. “Bên cạnh kinh nghiệm canh tác nhiều năm, nông dân cũng đã chủ động tìm hiểu, tiếp cận với các kiến thức canh tác hiện đại nên việc phòng ngừa sâu bệnh, dịch gây hại trên địa bàn có nhiều thuận lợi hơn trước. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện chỉ xuất hiện một vài loại sâu bệnh gây hại thông thường, ít nguy hiểm và hầu hết được phát hiện và kiểm soát kịp thời nên chưa gây ra thiệt hại lớn”-ông Đoàn Minh Duy cho biết thêm.
Hải Lê