Tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài 83 km, tổng vốn đầu tư hơn 12.900 tỉ đồng là một trong những dự án ưu tiên triển khai trong giai đoạn năm 2021 – 2025.
Đoạn cuối của cao tốc bắc - nam đoạn Vân Phong - Nha Trang sẽ đi quá tuyến QL1 hiện có. Ảnh: Đinh Vũ |
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư 9/12 dự án thành phần cao tốc bắc – nam phía đông với tổng chiều dài khoảng 552 km. Trong đó, ưu tiên đoạn Quảng Ngãi – Nha Trang dài 353 km, có dự án thành phần Vân Phong – Nha Trang dài 83 km.
Theo thiết kế, cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài 83 km rộng 24,75 - 32,25 m với 4 - 6 làn xe vận tốc 80 – 120 km/giờ, tổng vốn đầu tư hơn 12.900 tỉ đồng. Ở giai đoạn đầu, cao tốc được xây dựng rộng 17 m, 4 làn xe, tốc độ 80 km/giờ.
Tuyến QL1A đoạn qua KKT Vân Phong, H.Vạn Ninh chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực. Ảnh: Đinh Vũ |
Dự án có điểm đầu từ nam hầm Cổ Mã (H.Vạn Ninh) và kết thúc tại vị trí giao với Quốc lộ 27C (xã Diên Thọ, H.Diên Khánh). Trong 83 km cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang có 4 nút giao liên thông và các nút giao trực thông qua các tuyến đường tỉnh, quốc lộ, đường sắt tốc độ cao.
Liên quan đến việc ưu tiên đầu tư cao tốc Vân Phong – Nha Trang, hồi tháng 7.2021, Khánh Hòa đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh thực hiện hợp phần dự án xây dựng đường cao tốc Vân Phong - Nha Trang theo hình thức đối tác công tư (PPP), có sự tham gia phần vốn Nhà nước theo quy định. Tổng mức đầu tư dự kiến chưa bao gồm lãi vay là 12.906 tỉ đồng.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng xin được áp dụng cơ chế đặc thù theo Đề án "Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030" khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Bộ KH-ĐT chỉnh sửa, cập nhật một số nội dung liên quan đến lý trình giao cắt các nút liên thông và trục thông.
Dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung và Khu Kinh tế Vân Phong nói riêng. Đồng thời, tuyến cao tốc nói trên sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải và hoàn chỉnh tuyến đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm như Tây nguyên.
Theo Đinh Vũ (TNO)